Năm Dậu nói chuyện gà: Sẽ "bay" vào thị trường thế giới
Thị trường - Ngày đăng : 06:56, 27/01/2017
Đóng gói sản phẩm thịt gà để cung cấp ra thị trường tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
2016 được xem là một năm phát triển đầy ấn tượng của ngành chăn nuôi gà Việt Nam, đặc biệt là về công nghệ, chế độ dinh dưỡng. Vì thế, chất lượng sản phẩm gia cầm ở Việt Nam đã được nâng lên đáng kể.
Từ bước nhảy vọt năm qua, 2017 được kỳ vọng là năm đầu tiên sản phẩm thịt gà sẽ bước ra khỏi Việt Nam, xuất khẩu chính ngạch và “chinh phục” các thị trường khó tính.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) để có cái nhìn tổng thể về cơ hội trong năm 2017.
Giữ gen gà bản địa
- Thưa ông, 2016 là một năm phát triển “bùng nổ” của ngành chăn nuôi trong đó có lĩnh vực chăn nuôi gà. Vậy ông có thể chia sẻ một vài đánh giá về ngành chăn nuôi này trong năm vừa qua?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Thực ra ngành chăn nuôi gia cầm nói chung và ngành chăn nuôi gà nói riêng năm qua có ba điều ấn tượng nhất. Ấn tượng đầu tiên là gà lông màu tiếp tục ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng của đàn gà vẫn tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu dừng lại, cho thấy đây là xu hướng phát triển trước mắt trong vòng 5 đến 10 năm tới, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Đó là một ấn tượng vì trước đây tăng trưởng rất bấp bênh còn bây giờ, tăng trưởng dương liên tục.
Ấn tượng thứ hai, suốt trong năm 2016, đàn gia cầm hầu như không có dịch bệnh và có thì cũng rất ít, lẻ tẻ chỉ vài vùng và đã được Cục Thú y dập tắt ngay cho nên đàn gia cầm duy trì phát triển tốt đến cuối năm.
Ấn tượng thứ ba là những gen bản địa năm 2016 đã được các địa phương quyết tâm giữ vững và được xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng định dạng vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu gà của địa phương để giữ vững tên tuổi của giống gà.
Hiện nay, cơ bản chúng ta đã giữ được các gen giống gà bản địa. Riêng tiêu chuẩn, quy chuẩn về giống gà Hồ, gà Mía, Cục cũng đã phối hợp với Viện Nông nghiệp thực hiện gần xong, các làng chăn nuôi những giống gà này cũng quyết tâm rất cao để giữ vững sản phẩm của họ. Đấy là một ấn tượng hết sức sâu sắc, nếu cứ cách như này chúng ta sẽ phát triển đàn gia cầm rất tốt.
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân kỳ vọng năm 2017, sản phẩm thịt gà sẽ bước ra khỏi Việt Nam. Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+
- 2017 là năm con Gà (Đinh Dậu) vậy theo ông, thị trường chăn nuôi gà năm nay sẽ diễn biến theo chiều hướng nào? Đâu là những thách thức lớn đối với lĩnh vực chăn nuôi gà hiện nay?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Thị trường sản phẩm nông nghiệp trong đó có sản phẩm chăn nuôi vẫn là một trong những điểm quyết định căn cốt của ngành. Năm 2017, các tín hiệu mới về thị trường đang ở dạng mới bắt đầu có định dạng, còn chủ yếu chúng ta vẫn phải tập trung vào thị trường trong nước. Hiện thị trường trong nước sản xuất các sản phẩm đã tương đối đầy đủ, phong phú.
Riêng sản phẩm gia cầm năm 2017, chúng tôi vẫn kỳ vọng tiếp tục phối hợp làm việc với các địa phương, các bộ ngành trung ương chỉ đạo giữ ổn định cơ cấu như hiện nay tức là để khoảng độ 60-65% tỷ lệ gà lông màu. Trong số đó các giống lông màu chủ lực sản xuất trong nước, cũng như nhập khẩu, song song đó là tìm cách giảm giá thành sản phẩm xuống nếu chúng ta sản xuất theo chuỗi.
Cụ thể, thịt gà trắng công nghiệp hiện nay có giá khoảng 22.000 đồng/kg, nếu tiếp tục cải tiến một bước sâu hơn nữa giá có thể xuống 20.000 đồng/kg thì chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu. Hiện nay, đại đa số các trang trại hiện nay nuôi với giá bình quân từ 26.000-26.500 đồng/kg vẫn ở phân khúc trung bình cao, do đó cần tiếp tục tìm mọi cách để giảm giá.
Các giống gà màu, gà thả vườn vẫn là phân khúc được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và người chăn nuôi vẫn đang có lợi. Vì thế trong năm 2017, việc phát triển chăn nuôi gà vẫn là một trọng tâm của ngành chăn nuôi. Đồng thời cũng nâng cao chất lượng theo hướng cải tiến các biện pháp giải quyết khâu kỹ thuật bám sát thị trường tiến tới năm 2017 kỳ vọng sản phẩm gia cầm của Việt Nam sẽ lần đầu tiên xuất khẩu đến các thị trường các nước khác trên thế giới.
Quyết tâm vươn mình
- Năm tới là năm đầu tiên sản phẩm thịt gà Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường “khó tính” như Nhật, EU… vậy đến nay chúng ta đã chuẩn bị được những gì để chinh phục các thị trường rất tiềm năng này? Cái khó nhất hiện nay đối với việc xuất khẩu gà là gì, thưa ông?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Việc xuất khẩu sản phẩm sang các nước là vô cùng khó khăn, nhất là sản phẩm chăn nuôi. Trong ý tưởng của chúng ta cũng muốn sớm xuất khẩu và vẫn quyết tâm để thực hiện ý tưởng đó. Tuy nhiên chúng ta phải có những bước đi chắc chắn và phù hợp.
Hiện nay chúng ta cần có những cam kết về mặt thú y, cam kết về mặt tổ chức sản xuất, cam kết về an toàn thực phẩm, cam kết về an toàn dịch bệnh, trên cơ sở đó phải được sự kiểm tra và đánh giá của các nước nhập khẩu, các tổ chức nhập khẩu của họ.
Mục tiêu của chúng ta đặt ra là như vậy và có một số tỉnh đang xung phong thực hiện, ví dụ như Bình Phước, Đồng Nai là những địa phương có số lượng gia cầm rất lớn và hiện nay đang kiến nghị nhà nước để thực hiện những biện pháp để xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng mới là bước đầu, chúng ta cũng cần chờ kết quả bước tiếp theo. Nhưng kỳ vọng chúng ta sẽ quyết tâm cao nhất để đáp ứng được nhu cầu của các nước nhập khẩu để đưa sản phẩm thịt gà của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
Cái khó nhất hiện nay, đầu tiên là chúng ta phải sản xuất theo mô hình khép kín bảo đảm an toàn tuyệt đối và sản phẩm làm phải nằm trong vùng tuyệt đối an toàn về dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nhạy cảm như cúm gia cầm H5N1, H7N9, hay các bệnh lây lan giữa vật nuôi và người. Mặt khác, sản phẩm phải vừa đủ, chất lượng sản phẩm và độ đồng đều phải bảo đảm và phải được cơ quan quản lý nước nhập khẩu họ đánh giá bằng hàng rào kỹ thuật của họ đồng ý thì lúc đó chúng ta mới nhập khẩu được.
Để làm được những khâu này cần hàng loạt biện pháp và sự cố gắng nỗ lực rất lớn đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp. Phải có những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp “đầu mối” đứng ra như đường đi của sản phẩm tôm, cá tra, xuất khẩu gạo có những doanh nghiệp rất lớn, sau đó các trang trại chúng ta sẽ thực hiện theo chuỗi của các doanh nghiệp đó thì mới có thể xuất khẩu được.
Xây dựng thương hiệu gà an toàn sinh học từ mô hình gia đình. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
- Tại sao từ trước đến nay, ngành chăn nuôi gà của chúng ta vẫn duy trì và phát triển tốt song đến năm 2017 chúng ta mới bắt đầu lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch đối với sản phẩm này? Trong thời gian tới, Cục sẽ làm gì để mở rộng hơn nữa việc xuất khẩu này?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Thực ra việc xuất khẩu thịt nhất là thịt gà rất khó khăn, rất ít nước chấp nhận nhập khẩu sản phẩm thịt gà của nước khác vào cho nên chúng ta cũng đang muốn kỳ vọng sẽ xuất khẩu được thịt gà.Còn trứng muối, trứng vịt chúng ta đã xuất nhiều rồi.
Riêng sản phẩm thịt gà thì các nước yêu cầu rất khắt khe về mặt kỹ thuật, đặc biệt là yêu cầu về tỷ lệ các chất, nhất là các chất có nguy cơ ở trong thịt là phải không có. Độ ngon, độ đồng đều và yêu cầu thị hiếu của các thị trường nhập khẩu là khác nhau.
Do vậy, chúng tôi cũng rất kỳ vọng sẽ bàn với các doanh nghiệp một số tỉnh đang có tiềm năng để tháo gỡ cái này, chứ bây giờ chúng ta bảo có rất nhiều, mời người ta đến mua thì không bao giờ có chuyện đó. Mà chúng ta phải tổ chức tốt hàng loạt các vấn đề từ nhà nước đến doanh nghiệp đến người sản xuất phải kết nối lại được với nhau, phải thống nhất được với nhau các chương trình hành động cụ thể thì lúc đó chúng ta mới kỳ vọng xuất khẩu được.
“Không sợ” cạnh tranh
- Hiện các giống gà, cũng như các sản phẩm thịt gà Việt Nam nhập khẩu từ các thị trường nào nhiều nhất, ông có thể liệt kê và nêu cụ thể về số lượng các thị trường nhập khẩu? Điều này có gây khó khăn trong việc cạnh tranh sản phẩm thịt gà trên sân nhà không, thưa ông?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Đối với thịt gà nhập khẩu năm 2016, theo số lượng thống kê của Tổng cục Hải Quan, tổng số lượng nhập khẩu 121.931 tấn. Như vậy so với tổng số thịt gà của cả nước thì con số này là không đáng kể nhiều. Việt Nam chúng ta sản xuất mỗi năm khoảng gần 2 triệu tấn thịt gà, như vậy con số nhập khẩu chỉ xoay quanh khoảng 5-7%.
Thị trường nhập chính là các thị trường như Mỹ, Thái Lan và một số nước châu Âu. Năm 2016, có một cái “được” đó là giá gà nhập về Việt Nam ổn định chứ không rẻ quá bất ngờ như năm 2015 và cũng bán đồng hành cùng với thịt gà trong nước.
Nếu so với năm 2015 thì giảm 2% (năm 2015 nhập khoảng hơn 130.000 tấn), điều này chứng tỏ thị trường gà trong nước vẫn giữ được. Việc nhập thịt gà là hoàn toàn bình thường chúng ta không cần phải lo lắng trước tình trạng đó, đó là thông thương quốc tế. Chính vì thế chúng ta phải cạnh tranh, không còn con đường nào khác và Việt Nam chúng ta hoàn toàn chấp nhận cạnh tranh.
Chúng ta hoàn toàn có thể làm giá rẻ gần bằng Mỹ và như Thái Lan để chúng ta bán ở thị trường trong nước trong thời gian rất gần tới đây. Bên cạnh đó, có những sản phẩm thịt gà các nước không bao giờ có và chỉ Việt Nam mình có, như vậy mình bán và không phải cạnh tranh với ai cả. Vì thế Việt Nam “không sợ” khi cạnh tranh sản phẩm thịt gà.
Bình tĩnh trong chăn nuôi
- Nhân dịp đầu xuân năm mới ông muốn nhắn gửi lời chúc đến bà con nông dân cũng như những người chăn nuôi gà năm tới sẽ như thế nào ạ?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Năm 2017 vẫn xác định là năm có những khó khăn đối với ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng, tuy nhiên chúng tôi muốn nói với bà con chăn nuôi và tất cả những người trong ngành chăn nuôi chúng ta hay bình tĩnh, giữ vững nhịp độ chăn nuôi. Đặc biệt là phải nắm bắt thật chặt thị trường, tăng cường phát triển chăn nuôi an toàn thực phẩm, không sử dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm, chỉ sử dụng kháng sinh trong những trường hợp thật đặc biệt và xu hướng chung là không sử dụng kháng sinh, tuyệt đối không sử dụng chất cấm vì dùng chất cấm là vi phạm pháp luật.
Đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng VietGAP, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học để chúng ta có sản phẩm đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng và có sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần liên kết lại với nhau, tức là tổ chức lại sản xuất để chúng ta giảm thiểu những chi phí không cần thiết trong quá trình sản xuất. Tăng cường đăng ký thương hiệu sản phẩm, chúng ta sẽ tự giữ uy tín của chúng ta thông qua tên của sản phẩm thì chăn nuôi của chúng ta sẽ bền vững và hiệu quả.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
THANH TÂM (Vietnam+)