Ăn Tết quê
Đời sống - Ngày đăng : 10:00, 27/01/2017
Trong khi các chị em cùng phố tíu tít rủ nhau đi dạo chợ hoa xuân, vào siêu thị mua sắm Tết, rồi đua nhau trang hoàng nhà cửa thì Hằng dửng dưng như không.
Cô chỉ sắm sửa một ít hoa quả, bánh kẹo để bày biện lên ban thờ, nhà cửa thì tháng nào cũng thuê người dọn dẹp nên cũng khá sạch sẽ, không thấy chỗ nào cần phải đụng tay vào. Thấy Hằng đi chợ về, trên tay lèo tèo vài món đồ, mặt đượm buồn, chị Hoa hàng xóm hỏi: "Tết này chắc vợ chồng cô lại về quê ăn Tết với ông bà hả?". "Vâng, chị ạ". "Vợ chồng cô chuyển về đây gần chục năm rồi mà Tết nào nhà cũng đóng cửa im ỉm, chỉ thấy chú ấy lên một loáng thắp hương lúc giao thừa rồi lại về quê ngay. Rõ chán. Xung quanh đây cũng mấy nhà như vậy, thành thử không khí Tết khu mình buồn hẳn đi". "Vâng, em cũng thèm như các chị lắm chứ". Chị Hoa chia sẻ: "Ngày trước nhà chị chưa có nhà riêng, Tết nào cả nhà chả khăn gói về quê như nhà em. Thực ra ở quê không khí Tết vui hơn ở đây đấy em ạ. Nhưng mệt cái là ngày nào các nàng dâu cũng tối mặt tối mũi ở trong bếp. Ông nhà chị là trưởng họ, con cháu trong họ đi xa về đều đến chúc Tết cụ. Thế nên bữa nào cũng làm cơm mời khách. Chỉ đến tối, cơm nước xong vợ chồng chị mới tranh thủ cho các cháu đi chúc Tết được. Giờ nghĩ đến vẫn thấy ngại". "Nhà em cũng có khác gì đâu. Lắm hôm cơm nước, rửa dọn xong, em mệt không còn thiết đi đâu nữa. Thế nhưng không đi chúc Tết thì không được, họ hàng lại trách mình là phận dâu con về quê ăn Tết mà không thấy mặt đâu. Nhưng mệt mỏi, vất vả mấy em cũng chịu được. Chỉ có điều em buồn lắm chị ạ. Những hôm về nhà chồng, thấy cả nhà ông bà, con cháu quây quần vui vẻ, khách khứa đông vui, em thấy thương bố mẹ em vô cùng, nhớ nhà, nhớ những cái Tết thời còn con gái".
Nhà Hằng vốn neo người, bố mẹ cô quê tận miền Trung ra Bắc lập nghiệp nên họ hàng đều ở xa. Nhà Hằng lại chỉ có hai chị em, sau khi cô đi lấy chồng, nhà vắng hẳn. Mấy năm nay cậu em trai lại đi du học nên nhà chỉ còn mỗi hai ông bà lụi cụi ra vào. Bình thường vợ chồng Hằng vẫn thường xuyên qua lại thăm nom, ngày nghỉ lại cho các con sang chơi với ông bà. Nhưng dịp Tết, khi vợ chồng Hằng mang con về quê thì ông bà cũng buồn thiu. Năm đầu mới lấy chồng, chưa bận mọn con cái, Hằng còn tranh thủ đi mua sắm các thứ chuẩn bị Tết cho bố mẹ đẻ. Ngày mùng 1 Tết, hai vợ chồng cũng tranh thủ từ quê lên chúc Tết bố mẹ. Nhưng sau này bận con cái, rồi công việc ở nhà chồng cứ cuốn cô đi nên thường phải mùng 3 Tết, sau khi ở quê làm lễ hóa vàng xong, vợ chồng cô trở lại thành phố, lúc ấy nhà bố mẹ Hằng Tết mới bắt đầu.
Nghe Hằng tâm sự, chị Hoa cũng rơm rớm nước mắt. Đúng lúc này, mẹ chồng Hằng bất ngờ từ trong nhà bước ra. Thấy bà, Hằng giật mình: "Dạ, mẹ mới lên ạ... Con, con...". Nhưng bà không hề trách móc Hằng. Mắt bà cũng đang ngấn lệ. Bà vỗ vỗ vào vai cô bảo: "Mẹ xin lỗi, bấy lâu nay bố mẹ đã không hiểu được tâm tư của con. Mẹ chỉ nghĩ quanh năm các con làm ăn trên thành phố, Tết đến muốn con cháu về sum họp cho vui cửa vui nhà. Nghe con nói mẹ mới thấy mình thật vô tâm. Nhà mình, ngoài vợ chồng con ở thành phố, còn hai anh trai con đều ở liền nhà, sát vách với bố mẹ. Tết nào cũng đủ đầy. Nhà ngoại của các chị dâu con cũng ở ngay trong xã. Chỉ mỗi mình con là thiệt thòi quá". "Mẹ hiểu cho nhà con là con mừng rồi. Con cũng đang định về thưa chuyện với bố mẹ, năm nay chúng con sắm được ô tô rồi, việc đi lại cũng tiện. Nếu bố mẹ cho phép, từ Tết này, vợ chồng con về ở với bố mẹ từ chiều 30 đến hết ngày mùng 1 Tết, sau đó chúng con lên thành phố để ông bà ngoại cháu đỡ buồn. Trong mấy ngày Tết, con sẽ chạy đi chạy lại, được không mẹ". "Ừ, để mẹ nói với bố con. Mẹ tin là bố con sẽ đồng ý thôi". Hằng nghe mẹ và chồng nói mà như không tin ở tai mình. Cô ôm chầm lấy mẹ chồng. Bao nhiêu năm làm dâu của bà, chưa bao giờ cô thấy bà tâm lý đến thế.
KIM THANH