Chọi gà men say lễ hội mùa xuân

Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 15:00, 28/01/2017

Trong ngày Tết và các lễ hội dân gian dịp đầu năm, chọi gà là chất men say kỳ lạ đối với mọi lứa tuổi, làm cho ngày xuân thêm náo nức.



Chọi gà hấp dẫn bởi những pha đá hay, đòn đánh đẹp


Cuốn hút, hấp dẫn

Ông Nguyễn Hữu Đông, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi khu dân cư Nhân Đào, thị trấn Nam Sách năm nay đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về lễ hội truyền thống và những trò chơi dân gian độc đáo diễn ra vào ngày 10 tháng 2 âm lịch hằng năm ở đình Nhân Lý, ngôi đình cổ có kiến trúc đặc sắc vào bậc nhất xứ Đông.

Theo ông Đông, các trò chơi dân gian khác như vật, đập niêu, cầu thùm, đu tiên, bắt vịt… có thể năm có, năm không nhưng chọi gà thì không bao giờ thiếu. Khoảng sân trước cổng đình chính là nơi diễn ra các trận gà chiến hằng năm. “Vui lắm, cuốn hút lắm. Mấy ngày hội, cả khoảng sân này đông nghịt già trẻ, trai gái xem chọi gà. Các trận đấu kéo dài từ sáng cho đến trưa, rồi lại từ trưa cho đến tối. Người ta xem chọi gà say mê đến độ quên cả ăn. Mỗi một pha đá hay, một đòn đánh đẹp, sới chọi vỡ òa tiếng hò reo cổ vũ. Hòa mình vào không khí ấy thấy niềm vui của ngày xuân cứ như rộng dài thêm”, ông Đông kể.

Từ xa xưa, chọi gà cũng là một thú chơi trong lễ hội mùa xuân Côn Sơn. Trước khi vào hội, các chủ gà đăng ký với ban tổ chức để thi đấu. Thường thì không hạn định số lượng và địa phương tham gia. Sau đó ban tổ chức chia thành từng cặp đấu loại để chọn ra cặp vô địch. Trò chơi chọi gà thường được tổ chức vào buổi chiều các ngày diễn ra lễ hội. Người xem đứng vây kín xung quanh sân đấu. Khi có trống báo, chủ gà sẽ lấy số và ôm gà của mình vào sới. Khi tiếng trống lệnh dứt, chủ thả gà vào chọi. Để phân thắng bại, ban tổ chức quy định mỗi trận đấu gồm 7 hồ. Nếu gà thua chạy hoặc chủ gà thấy gà mình yếu kém thì có thể xin trọng tài dừng trận đấu. Có những trận đấu kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ không phân thắng bại. Cặp gà chọi lao vào nhau với những đòn chiến kịch liệt, hiểm hóc khiến người xem trầm trồ. Cùng với các trò chơi dân gian truyền thống khác, chọi gà đã tạo nên không khí vui nhộn cho lễ hội mùa xuân Côn Sơn.

Nỡ nào để mai một?

Chọi gà là thú chơi đòi hỏi sự kỳ công của người nuôi, từ việc chọn gà giống đến các công đoạn chăm sóc, vần gà, cho gà đấu thử... Gà giống phải đạt tiêu chí: “nhất khỏe, nhì tài, tam bền, tứ lối” hoặc chọn theo sắc mạng ngũ hành. Về chế độ ăn, muốn cơ bắp gà chắc khỏe phải tăng cường cho ăn thóc tẻ cùng một số thực phẩm đặc biệt khác như thịt nạc, chạch, tôm, tép, cá nục cắt nhỏ… Vần vỗ gà chọi cũng rất quan trọng để biến một con gà “mộc” thành gà chiến. Có 3 cách vần gà chính là vần với gà, vần với người và cho 2 gà chạy lồng đấu tập. Cường độ vần từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, khi đạt đến đỉnh điểm phong độ phải giảm dần để đến ngày ra đấu gà có thể lực tốt nhất...



Cặp gà chọi lao vào nhau với những đòn chiến hiểm hóc khiến người xem ồ lên thích thú


Ông Nguyễn Đình Hài, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Cẩm Giàng cho biết: Chọi gà vốn là thú chơi tao nhã của các bậc vương giả trước khi trở thành thú chơi dân gian. Thời Trần, trong Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn đã nhắc đến chọi gà trong giới quý tộc. Chọi gà không chỉ là niềm đam mê, trò tiêu khiển mà còn khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Gà chọi được xem là đại diện cho bậc chính nhân quân tử, kẻ uy vũ, dũng mãnh. Mào gà vểnh cao giống chữ Sĩ, biểu tượng cho sự thanh tao, cao quý, người quân tử. Dáng dấp gà chọi oai phong tượng trưng cho sự dũng mãnh. Gà chọi còn là đại diện cho quyền lực, sự can trường sẵn sàng chiến đấu chống lại kẻ thù. Chúng cũng là con vật đại diện cho chữ tín, luôn gáy báo thức đúng giờ.

Đáng tiếc là những năm gần đây, chọi gà dần mai một hoặc bị biến tướng thành trò cờ bạc, mất đi ý nghĩa văn hóa vốn có của nó. Ông Nguyễn Du Lịch, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thanh Bình (TP Hải Dương), người từng có 20 năm làm công tác văn hóa ở phường tiếc nuối: “Trước đây, chọi gà là một trong những thú chơi không thể thiếu của lễ hội truyền thống đền Sượt. Mỗi dịp lễ hội, người trong các làng xung quanh thi nhau mang gà mình nuôi đến chọi. Phần thưởng chỉ là chút lộc thánh song ai cũng vui. Có chọi gà, người đến dự hội đông vô kể”.

Vài năm trở lại đây, hầu hết các lễ hội dân gian không còn tổ chức trò chơi chọi gà do không thể ngăn chặn nổi tình trạng cá cược. Tại sao chúng ta không kiên quyết loại bỏ tệ nạn này để gìn giữ một trò chơi dân gian độc đáo?

NGUYÊN DÃ

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 800 lễ hội dân gian, hầu hết diễn ra vào mùa xuân. Cùng với các nghi lễ tôn nghiêm, có rất nhiều các trò chơi dân gian xuất hiện trong các lễ hội để tạo không khí vui tươi, trong đó phổ biến nhất là chọi gà.