Nhật Bản gia hạn thời gian lưu trú cho y tá và điều dưỡng Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 08:28, 04/02/2017
Một cố vấn người Nhật trao đổi với y tá đến từ Philippines - Ảnh: Bloomberg |
Quyết định trên được Chính phủ Nhật Bản đưa ra trong cuộc họp ngày 3-2 và được trích dẫn lại cùng ngày trên trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Cụ thể, các y tá và điều dưỡng người Việt Nam, Indonesia và Philippines trong khuôn khổ Thỏa thuận đối tác kinh tế (EPA) đến Nhật Bản làm việc trong các năm 2014, 2015 mà chưa đạt chuẩn quốc gia sẽ được ở lại Nhật Bản làm việc thêm 1 năm nữa.
"Quyết định này sẽ dẫn tới việc tăng số lượng các y tá vượt qua các kỳ thi khi cho họ thêm nhiều cơ hội tham dự trong suốt thời gian lưu trú", thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Ông Masaki Kawaguchi, đại diện ban Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết hiện tại có 53 y tá và 417 điều dưỡng viên Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản.
Theo quy định, các điều dưỡng viên nước ngoài phải làm việc đủ 3 năm ở Nhật Bản mới đủ tư cách để tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia, như vậy với thời hạn làm việc 4 năm, họ chỉ có một lần duy nhất được tham gia kỳ thi nói trên.
Đối với các y tá, mặc dù họ có thể tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ sớm hơn so với các điều dưỡng viên song cơ hội đỗ kỳ thi ngay trong những lần đầu là rất thấp.
Chính vì vậy, quyết định ngày 3-2 của Chính phủ Nhật Bản là nhằm tạo thêm một cơ hội cho các y tá và điều dưỡng viên Việt Nam tham gia kỳ thi cấp quốc gia này. Nếu đạt được chứng chỉ quốc gia, các y tá và điều dưỡng viên Việt Nam sẽ có cơ hội công việc cũng như các chế độ lương bổng và phúc lợi bình đẳng với các đồng nghiệp Nhật Bản.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, các y tá và điều dưỡng viên đến Nhật Bản trong khuôn khổ thỏa thuận EPA có thời hạn làm việc tại nước này lần lượt là 3 năm và 4 năm. Trong thời gian lưu trú, những người này có thể tham gia kỳ thì quốc gia để nhận chứng chỉ y tá hoặc nhân viên chăm sóc sức khỏe do Nhật Bản cấp. Nhật Bản bắt đầu nhận y tá và điều dưỡng viên Việt Nam trong khuôn khổ EPA từ năm 2014. |
Theo Tuổi trẻ