Khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2017

Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 13:48, 12/02/2017

Sáng 12-2 (16 tháng giêng), tại khu di tích Côn Sơn (Chí Linh), Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức khai hội mùa xuân 2017 và cắt băng khánh thành tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn.



Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các đại biểu thắp hương tưởng niệm 683 năm
ngày mất Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334 - 2017). Ảnh: Thành Chung


Các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Thanh Quyến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2017; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; đoàn đại biểu TP Suwon (Hàn Quốc), cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương tới dự.



Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu đọc diễn văn khai hội. Ảnh: Thành Chung


Nghi lễ rước nước trang nghiêm bắt đầu tiến hành vào lúc 6 giờ 30. Từ chùa Côn Sơn, các đại biểu cùng tăng ni, phật tử, nhân dân và du khách thập phương tạo thành đoàn rước hoành tráng với rồng, cờ, lọng, bát bửu, các cỗ kiệu tiến ra hồ Côn Sơn. Tại đây, các đại biểu và các nhà sư chuyển thủy bình xuống thuyền làm lễ dâng hương, cáo thần, đăng đàn cầu nước. Sau 30 phút, nước trong vòng sinh khí được đổ vào bình thủy rước trở lại chùa làm lễ an vị. Rước nước là một nghi lễ quan trọng trong Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được phục dựng thành công năm 2008 với mục đích biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, cầu mùa, cầu nước và làm nghi lễ mộc dục (tắm tượng).



Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh cùng các đại biểu và đông đảo du khách thập phương
dự lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2017
. Ảnh: Thành Chung

Sau nghi lễ rước nước, tại sân chùa Côn Sơn, lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2017 diễn ra trọng thể, mở đầu là chương trình văn nghệ và màn biểu diễn trống hội. Lễ hội năm nay tưởng niệm 683 năm ngày mất Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334 - 2017). Ông tên thật là Lý Đạo Tái (sinh năm 1254) tại Bắc Ninh, là người học rộng, tài cao, đỗ đầu khoa thi Giáp Tuất (1274). Làm quan nhà Trần không lâu, ông từ quan đi tu, kiên trì học đạo và biên soạn kinh sách. Ông từng cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi khắp nước thuyết pháp, giảng kinh, trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Những năm cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn tiếp tục xây dựng nhiều công trình Phật giáo, trong đó có tòa Cửu phẩm liên hoa, biên soạn kinh sách truyền lại cho đời sau.

Diễn văn của đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc trong lịch sử; công lao to lớn của Thiền phái Trúc Lâm với sự nghiệp dựng nước, giữ nước. Từ thế kỷ thứ XIV, Côn Sơn đã trở thành chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, điểm tựa tinh thần của quân dân Đại Việt. Côn Sơn còn gắn liền với cuộc đời của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Với giá trị đặc biệt, năm 2012, Côn Sơn - Kiếp Bạc được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.



Các đại biểu cắt băng khánh thành tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn. Ảnh: Thành Chung

Sau nghi lễ dâng hương tưởng niệm Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, các đại biểu đã thực hiện nghi lễ cắt băng khánh thành tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn.



Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chiêm ngưỡng tháp cửu phẩm hình bát giác cao 7,9 m với 9 tầng
chạm cánh sen, gắn 216 pho tượng Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát
. Ảnh: Thành Chung

Công trình tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn được động thổ xây dựng tháng 2-2015 với các hạng mục tòa cửu phẩm, nhà tổ, hậu đường với kinh phí đầu tư trên 75,8 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và các nguồn công đức. Trong đó, nổi bật là tòa Cửu phẩm liên hoa có kiến trúc 3 tầng 12 mái. Bên trong là tháp cửu phẩm hình bát giác cao 7,9 m với 9 tầng chạm cánh sen, gắn 216 pho tượng Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Trong Phật giáo, Cửu phẩm liên hoa là một biểu tượng đặc biệt nhằm biểu dương Phật pháp, ca ngợi thế giới Niết Bàn, Cực Lạc.

Chùa Côn Sơn khởi dựng ở thế kỷ 10, đến thế kỷ 13 được Phật hoàng Trần Nhân Tông mở rộng. Chùa tiếp tục được Đệ nhị tổ Pháp Loa và Đệ tam tổ Huyền Quang tu bổ hoàn chỉnh các công trình kiến trúc như: tam quan, lầu chuông, gác trống, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, tổ đường, hậu đường, hai dãy tiền hành lang, hậu hành lang, các tòa tháp, am Bạch Vân... Trong đó tòa Cửu phẩm liên hoa là công trình tôn giáo có giá trị đặc sắc. Giữa thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm lược nước ta, chùa Côn Sơn cùng tòa Cửu phẩm liên hoa bị tàn phá. Với những giá trị văn hoá đặc sắc của khu di tích, ngày 18-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch. Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn là một trong các hạng mục nằm trong quy hoạch nói trên.





Lễ rước nước từ hồ Côn Sơn về chùa Côn Sơn. Ảnh: Thành Chung




Màn múa lân rồng tại lễ rước nước
. Ảnh: Thành Chung



Chương trình văn nghệ trong lễ khai hội. Ảnh: Thành Chung


NGỌC HÙNG