Điều sống còn với các bệnh viện

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 15:20, 13/02/2017

Vừa qua, Sở Y tế đã công khai kết quả đánh giá chất lượng (ĐGCL) các bệnh viện trong tỉnh năm 2016.

Đây là năm đầu tiên Sở Y tế ĐGCL các bệnh viện dựa trên Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ Y tế ban hành ngày 18-11-2016. Căn cứ vào Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện gồm 83 tiêu chí, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tự kiểm tra, ĐGCL và có sự giám sát, phúc tra của Sở Y tế. Với số lượng tiêu chí nhiều, quá trình đánh giá được thực hiện chặt chẽ nên kết quả đánh giá bảo đảm tính sát thực. 

Kết quả, ở tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có chất lượng tốt nhất khi đạt điểm trung bình là 3,56 (điểm tối đa là 5), tiếp sau là Bệnh viện Lao và Bệnh phổi với điểm trung bình 3,17. Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình có chất lượng thấp nhất trong số 11 bệnh viện tuyến tỉnh với số điểm trung bình 2,55. Ở tuyến huyện, kết quả đánh giá khiến nhiều người bất ngờ. Bệnh viện Đa khoa Ninh Giang - một bệnh viện ở vùng nông thôn cách xa trung tâm TP Hải Dương lại đứng đầu về chất lượng khi đạt 3,12 điểm. Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương ở ngay trung tâm của tỉnh lại đứng cuối cùng về chất lượng trong 13 bệnh viện tuyến huyện, chỉ đạt 2,84 điểm.

Việc công bố, công khai kết quả ĐGCL các bệnh viện mang lại nhiều tác dụng. Trước hết, đó là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở y tế thấy được thực trạng, những ưu điểm, khuyết điểm trong hoạt động của các bệnh viện, từ đó có định hướng, giải pháp để phát huy các thế mạnh, khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng phục vụ. Kết quả này cũng là căn cứ để người dân giám sát chất lượng hoạt động của các bệnh viện. Chất lượng hoạt động là yếu tố quan trọng nhất để người dân quyết định sẽ chọn khám, chữa bệnh ở đâu. Hiện nay, việc đi lại ngày càng thuận tiện cùng với việc thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến huyện thì người dân ở nơi này sẵn sàng chọn lựa khám chữa bệnh ở một nơi khác nếu bệnh viện ở đó có chất lượng phục vụ tốt hơn. Trong xu thế Nhà nước ngày càng giảm sự hỗ trợ đối với các chi phí khám chữa bệnh, đồng nghĩa với việc nhiều chế độ thù lao của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ngày càng phụ thuộc vào lượng bệnh nhân thì bệnh viện nào càng ít bệnh nhân sẽ càng khó khăn trong hoạt động. Ngược lại, những bệnh viện có chất lượng tốt, uy tín, nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh thì đời sống của đội ngũ cán bộ, nhân viên bệnh viện đó sẽ được nâng cao. Như vậy, chất lượng phục vụ bệnh nhân, chất lượng hoạt động chính là điều sống còn đối với mỗi bệnh viện.

Việc công bố ĐGCL sẽ tạo ra sự cạnh tranh cần thiết, lành mạnh giữa các bệnh viện, tạo động lực để mỗi cơ sở y tế phải không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động theo phương châm "lấy người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt của toàn bộ hoạt động khám chữa bệnh". Những bệnh viện có chất lượng hoạt động chưa tốt phải nỗ lực để hướng đến người bệnh nhiều hơn, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, cải tiến chất lượng... Ngược lại, những bệnh viện có chất lượng hoạt động xếp ở thứ hạng cao cũng không thể chủ quan, bởi lúc này họ có thể ở vị trí cao song đến thời điểm ĐGCL lần sau họ có thể tụt xuống vị trí thấp hơn nếu không có biện pháp tốt để duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng.

TÍCH LỊCH HỎA