Sinh vật ngoại lai đe dọa môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 06:58, 14/02/2017
Sinh vật ngoại lai đang xâm lấn môi trường sống của nhiều loài bản địa. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chúng sẽ gây thiệt hại lớn đối với môi trường tự nhiên.
Sau khi hết tác dụng, cá dọn bể thường bị người nuôi cá cảnh thả ra ngoài môi trường tự nhiên
Ngoài cá lau kính, một loại sinh vật ngoại lai nữa cũng được bán nhiều là sâu gạo và sâu bột. Hai loại sâu này thường được dân nuôi chim cảnh ưa dùng làm thức ăn cho chim. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh chim cảnh đều bán hai loại sâu trên. Theo chủ cửa hàng kinh doanh chim cảnh trên đường Ngô Quyền (TP Hải Dương), sâu gạo và sâu bột có thể dễ dàng nhân giống vì chúng rất phàm ăn và dễ nuôi. Tuy nhiên, phần lớn các cửa hàng đều không tự nhân giống mà nhập lại từ các mối khác. Hiện tại, hai loại sâu này có giá từ 200.000-250.000 đồng/kg.
Cả hai loại sâu đều có nguồn gốc từ Nam Mỹ, chiều dài thân từ 50-60 mm, bị cấm nhân nuôi và phóng thích ra ngoài môi trường. Theo tìm hiểu, hai loại này hiện chủ yếu được nhập lậu từ Trung Quốc. Tại Hải Dương, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã có văn bản thông báo tới các địa phương yêu cầu các cửa hàng đang buôn bán các loại sâu trên phải dừng ngay hoạt động kinh doanh trái phép, tự giác tiêu hủy lượng sâu hiện có. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vẫn ngang nhiên bày bán.
Không chỉ động vật ngoại lai, nhiều loại thực vật ngoại lai cũng đang gây hại trên diện rộng. Điển hình nhất là cây mai dương (cây trinh nữ đầm lầy) mọc nhiều quanh đầm, hồ ở vùng núi của thị xã Chí Linh và một số vùng của huyện Ninh Giang. Loại cây này được đánh giá là sinh vật ngoại lai gây hại lớn nhất ở Việt Nam. Hạt của chúng phát tán theo nguồn nước và có thể tồn tại rất lâu. Một cây con có thể phát triển cao tới 6 m, đường kính 1 - 2 m. Cây mai dương phát triển nhanh chóng, số lượng tăng gấp đôi sau 1 năm. Chúng chỉ mọc một mình và lấn át, không cho những loài thực vật khác mọc cùng. Giải pháp hữu hiệu nhất để tiêu diệt là nhổ bỏ khi chúng còn nhỏ.
Bài học về bạn ốc bươu vàng vẫn còn giá trị. Theo ông Nguyễn Văn Khang, nhà nghiên cứu sinh vật học, hiện nay nhiều loại sinh vật ngoại lai nguy hiểm đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Phần lớn chúng đều phàm ăn, có sức sống mãnh liệt và dễ thích nghi với môi trường sống bản địa. Vì vậy, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ phát tán ra ngoài môi trường và phát triển theo cấp số nhân, rất khó diệt trừ. Để hạn chế tác hại của sinh vật ngoại lai, quan trọng nhất là phải siết chặt khâu quản lý, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng. Các cơ quan chuyên môn cần đánh giá mức độ xâm lấn cụ thể và đưa ra các giải pháp hạn chế tác hại của các loài này; có thể lựa chọn các giải pháp an toàn như bảo vệ các loài thiên địch của sinh vật ngoại lai hoặc diệt trừ bằng biện pháp thủ công.
PV