Đường ra thành phố
Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:39, 19/02/2017
Chiếc xe máy dừng lại kèm theo câu nói: "Đến nhà rồi. Xuống đi". Hằng thong thả bước xuống ngắm nhìn ngôi nhà. Cô quen rồi. Ba năm học cao đẳng, một năm học thêm thiết kế thời trang, cộng thêm tám tháng làm ô sin nơi bệnh viện với tư cách người giúp việc gia đình, nên những ngôi nhà nguy nga không làm cô lạ lẫm. Ngày cô tốt nghiệp ra trường nhìn đâu cũng thấy toàn sinh viên đại học thất nghiệp chưa biết đi đâu về đâu. Huống chi trình độ cao đẳng. Có kẻ nói nhỏ: "Có hai trăm triệu việc này mới xong". Ối trời ơi. Số tiền lớn quá. Giá có bán nhà cửa ở quê cũng không đủ. Lại còn thằng em đang học năm đầu đại học nữa. Bố mẹ vất vả dầm sương dãi nắng nuôi hai chị em ăn học đến nay cô chưa báo đáp được gì. Hằng không thể quay về với hai bàn tay trắng. Nhưng chẳng biết bám vào cái phao nào. Đành làm vớ vẩn chờ thời. Công việc ô sin nơi bệnh viện thất thường, khi có, khi không. Vừa may, sớm nay gã thanh niên tên Bình xông vào bệnh viện tìm người giúp việc. Người xưa dạy: "Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái ngoan kiếm chồng giữa chốn ba quân". Gã không kén vợ mà kiếm người về trông nom mẹ gã bị ngã nằm liệt vài tháng nay. Gã đã có kinh nghiệm từ bài học trước. Một chị ô sin qua dịch vụ giới thiệu, nói năng như khướu hót, nhưng thường bớt xén tiền chợ. Bưng bát canh từ bếp lên mâm kiểu gì cũng phải húp vài cái. Nhà cửa lộn tùng phèo vì cái tính nhớ nhớ quên quên của chị. Thế là còn may. Vô phúc vớ phải kẻ gian thì chắc chỉ còn cái xác nhà. Nghĩ cho cùng, chẳng có con thuyền nào tính chuyện ăn đời ở kiếp với bến cả. Qua sự giới thiệu của người nhà bệnh nhân, gã tìm Hằng. Bản hợp đồng miệng nhanh chóng được thỏa thuận. Không cần bất cứ một thứ giấy tờ con dấu nào hết. Cũng không phải qua cửa nọ cửa kia trình báo. Nhưng chớ coi thường. Nó luôn được thực hiện rất nghiêm túc. "Vào đi. Trong nhà có người đó". Gã nói.
Hằng phấn khởi vì được giúp việc cho gia đình chỉ có hai mẹ con. Cậu chủ, Hằng gọi vậy, nghe đâu làm trưởng hay phó phòng gì đó, đi làm từ sớm đến tối mịt. Ăn ào ào vài bát cơm, xong lại đi. Nửa khuya mò về, mặt mày thất thần phờ phạc như kẻ vừa thua một canh bạc lớn. Cô được gã kê thêm chiếc giường một trong phòng bà mẹ. "Cho tiện trông nom", gã buông thõng. Càng tốt. Nếu gã có tính trăng hoa ít ra cũng phải e ngại khi có mặt mẹ mình. Mọi công việc hằng ngày Hằng làm theo thỏa thuận ban đầu. Các tiện nghi trong nhà như bếp ga, tủ lạnh đến lò vi sóng, máy xay, máy giặt cô đều sử dụng thành thạo. Gã yên tâm. Đến giờ về ăn. Ăn xong lại đi. Đi đâu Hằng không biết. Ban đầu bà mẹ không đánh giá cao về khả năng nội trợ của Hằng. "Nó trẻ thế chắc đã biết gì. Tề gia nội trợ phải học, phải làm nhiều mới thành thạo. Như mưa dầm lâu mới thấm đất". Nhưng rồi bà yên tâm ngay khi thấy Hằng tỏ ra sáng dạ, lanh lợi và thạo việc. Được người già quý mến, Hằng càng tự tin hơn. Mỗi sáng cô dậy sớm nhận tiền đi lo bữa sáng. Bà và cậu chủ thích ăn gì cô cũng cố tìm cho bằng được. Ra chợ bao giờ Hằng cũng chọn thịt tươi cá sống. Cả nhà ăn, khen nức nở. Sau này tiền chi tiêu chợ búa gã giao cho cả tháng. Hằng ghi chép đầy đủ. Cuối tháng đưa trình. Mẹ con gã xem cho phải phép. Do biết thu xếp công việc nên Hằng có nhiều thời gian rảnh rỗi. Những lúc ấy cô thường đấm bóp hoặc dìu bà già tập đi. Nếu không lại ngồi tâm sự cho bà đỡ buồn. "Mày bạo thật. Con gái con đứa, xinh đẹp hơ hớ mà dám bỏ nhà ra phố kiếm việc". "Nhà cháu nghèo, chạy cho một đứa đi học đã sạt nghiệp huống chi hai đứa. Đói thì đầu gối phải bò. Nếu gặp tai ương hoạn nạn âu cũng là số phận". "Chuyện chồng con thế nào rồi?". "Ối dào. Nếu cứ lấy một tấm chồng, cặm cụi làm ăn, gì chứ đủ ăn là cái chắc. Nhưng cháu không muốn thế. Ức cái mình nào có ngu dốt gì cho cam. Ngày học phổ thông cháu toàn xếp vào loại giỏi đó. Đúng là học tài thi phận".
Bình ba mươi hai tuổi, chưa vợ, ít nói giống mẹ. Qua lời than vãn của người mẹ, Hằng biết gã hồi đang là sinh viên đại học yêu một cô gái dưới mình ba khóa. Họ thề non hẹn biển, nguyện yêu nhau đến đầu bạc răng long. Chỉ còn chờ kinh tế khá giả sẽ làm lễ cưới. Nào ngờ năm kia nàng lên xe hoa với một lão già bằng tuổi bố mình. Gã không làm sao quên được mối tình đẹp như thơ ấy. Đau đớn nhưng không tuyệt vọng. Hằng đêm gã cứ lảng vảng trước cửa nhà nàng, ngước lên, mong được một lần thấy bóng dáng người xưa. Nàng có con, gã vẫn đến. Chẳng bỏ đêm nào. Chờ đợi, mong ngóng đến khi đèn nhà nàng tắt mới lầm lũi quay về. Bà mẹ buồn đến phát khóc. Van xin, giận dỗi, khuyên nhủ. Đủ hết. Gã như ngọn núi, ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời. Hằng bật cười. "Mày còn cười được", bà già trách. "Cháu xin lỗi. Si tình là một căn bệnh của người đang yêu. Sống như cậu chủ khác gì người đã chết". Người mẹ thở dài: "Cái số nhà bác nó thế. Gỡ sao nổi". Một ý nghĩ lóe lên, Hằng muốn cứu gã ra khỏi cái màn u mê của mối tình vô vọng. Một đêm gã về rất khuya, Hằng mở cửa, đứng chặn ngang, nói như quát: "Đêm nào cũng như đêm nào, toàn về muộn, để con sen người ở phải chờ. Này, tôi bảo cho mà biết, có bữa nó cho con nó đái vào mặt mới biết thân". Bữa khác Hằng băm bổ: "Cậu si tình đến mức bệnh hoạn. Liệu mà đi bệnh viện tâm thần". "Mày biết cái gì mà tham gia vào chuyện riêng tư của tao. Nàng là người tốt nhất trên đời". "Ối trời đất quỷ thần ơi, lại đây mà nghe cậu chủ tôi khen người tình cũ tốt đẹp. Nói cậu bỏ quá. Tốt mà nó phụ tình bạc nghĩa để đi theo lão già giầu có? Thà cậu cứ đi uống rượu, thậm chí tìm đến gái điếm giải sầu có khi còn ra thằng đàn ông. Cậu không biết xấu hổ à?". Trước đây những lời khuyên nhủ vuốt ve của người mẹ không làm gã tỉnh ngộ. Gã như con bệnh đã nhờn thuốc. Nay được loại kháng sinh liều cao của Hằng chọc thẳng vào trí não bằng những lời nói như băm như bổ. Thấy gã im lặng, Hằng bồi thêm: "Tôi còn nghe nói thằng chồng nó đang thuê lũ xã hội đen tặng cậu một nhát dao đó". Gã chột dạ, nói dối: "Tao chỉ đi dạo một chút cho khuây khỏa thôi. Có đến đó đâu". "Ừ, thế thì được. Để bảo đảm an toàn, từ nay buổi tối cậu nên ở nhà trò chuyện với mẹ, với tôi". "Thôi đi. Nói chuyện với mẹ già chán lắm. Mà mày có chuyện gì?". "Ối chuyện". "Được. Bắt đầu từ tối mai".
Nói thì nói vậy, tối sau đâu lại hoàn đấy. Nửa khuya đi chơi về, gã giơ tay đập cửa. Cửa nhẹ bẫng. Không cài chốt. Vừa bước vào gã giật mình. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ treo cao, Hằng bó gối ngồi thu lu trên ghế, đầu ngật sang bên. Cô ngủ ngồi. Trên bàn một mâm cơm chờ sẵn được đậy bằng chiếc lồng bàn. Cô đợi gã. Trái tim gã se lại, lòng mềm hẳn. Suốt đêm qua gã cố xua đuổi những câu nói của Hằng. Gã cho rằng đó là thứ tình cảm thương vay khóc mướn. Nhưng không nổi. Cả ngày và nửa đêm nay nữa. Gã lao vào công việc như điên như dại. Mong sao quên nỗi nhớ cô ô sin. Vô hiệu. Gã tự ái với cái thằng đàn ông trong mình. Có mỗi việc cỏn con vậy mà không chế ngự nổi. Bóng dáng người tình cũ hôm bước lên xe hoa dường như biến mất không còn dấu vết. Ai đã nói nhỉ? Gã không nhớ nữa. Đại ý rằng người ta chỉ quên người tình cũ khi trong tim có một bóng hình mới. Gã quay lại cài chốt cửa. Gã loay hoay không sao cài nổi. Không phải do cái chốt quá chặt. Lòng gã đang nổi sóng. Cái dáng ngủ ngồi của cô gái vừa tội nghiệp vừa thân thương. Héo hon và lo lắng. Như người vợ thảo hiền ngồi chờ chồng về cùng ăn một bữa cơm tràn trề hạnh phúc. Gã nhón chân rón rén tiến dần về phía Hằng, từng bước một, như người chồng phạm lỗi. Hằng vẫn ngủ say. Hơi thở đứt quãng. Lo âu và thổn thức. Khuôn mặt cô gái hiện rõ trước mặt. Tám tháng rồi, đây là lần đầu tiên gã thỏa sức ngắm nhìn cô ô sin mà không sợ bị ai chê là khiếm nhã. Và cũng chưa bao giờ hai khuôn mặt lại gần nhau đến thế. Không thể phân biệt nổi đâu là khuôn mặt của một người ăn kẻ ở với người tình thân thương. Một thiếu nữ ưa nhìn, tóc đen cắt tém, làn môi ửng hồng, vầng trán thông minh như vạt nắng mùa xuân. Không phấn son trang điểm. Không phô phang đài các.
Như có linh cảm, Hằng bừng mở mắt. Cô luống cuống. Hai khuôn mặt gần như chạm nhau. Cô đứng phắt dậy: "Anh đã về. Để em đi hâm lại đồ ăn cho nóng. Xong ngay thôi. Không phải chờ lâu đâu". Gã ấn vai cô gái xuống ghế: "Em cứ ngồi đấy. Anh tự lo được". Đây cũng là lần đầu tiên họ gọi nhau bằng những từ ngữ ngọt ngào và êm ái như vốn dĩ từ lâu họ đã gọi nhau như thế. Hằng bảo: "Nhưng em chưa ăn". "Trời ơi", gã kêu lên như tự trách mình. Gã đã bỏ phí bao nhiêu thời gian cho cuộc tình cũ. Phải chăng đây mới là tình yêu chân thành mà bấy lâu nay gã kiếm tìm? "Sao em không ăn cơm cùng mẹ?". "Em chỉ muốn mọi điều tốt đẹp đến với anh thôi". Nói xong Hằng cúi mặt ngượng ngùng. Cô chưa từng nói câu này với ai. Người cô như say. Cứ la đà nửa tỉnh nửa mê. Y như mỗi lần cô vào phòng gã dọn dẹp. Cái mùi nồng nàn riêng biệt của gã cứ quấn quýt khiến cô rạo rực. Lâu ngày thành nghiện. Mỗi ngày không được ngửi một lần người cô lờ đờ như ốm. Ban đầu mục đích của Hằng chỉ là giúp bà mẹ khỏi buồn phiền và cứu gã ra khỏi cơn si tình bệnh hoạn. Đời không chiều theo ý người. Cô yêu gã. Một thứ tình cảm thấm dần, thấm dần. Cô hốt hoảng nhưng không lo sợ. Và hình như gã cũng có một chút tình cảm với cô. Một chút là bao nhiêu cô không định lượng nổi. Cô hỏi: "Anh không đi nữa chớ?". Gã lặng lẽ gật đầu: "Từ nay anh sẽ nghe lời em". Hằng cười, tiếng cười trong trẻo nghe như tiếng hạt thủy tinh va vào nhau: "Anh nói dối". "Anh xin thề".
Sau bữa cơm muộn, Hằng pha cho gã một ly cà phê. "Anh lấy vợ đi". Gã lặng lẽ nhấm nháp từng ngụm cà phê đắng nghét: "Ai yêu mà lấy". Lời gã vừa xa xót vừa bi phẫn như lời ca Hằng vẫn thường nghe. "Lấy ai, ai lấy, bây giờ lấy ai?". "Sao anh bi quan thế? Một người đàn ông như anh khối cô muốn lấy làm chồng". Gã chợt ngẩng đầu lên nhìn vào mắt Hằng: "Như em có muốn lấy không?". Nỗi đau cũng như tình yêu, nó thường đến lúc người ta bất ngờ nhất. Dù có đoán trước, Hằng vẫn hoảng hốt. Cô hoàn toàn không ngờ gã lại tỏ tình một cách thẳng thắn đến thế: "Em hả? Cái...cái...cái này còn phải chờ xem anh chuyển biến thế nào đã. Em không thể làm vợ một người lúc nào cũng nghĩ tới mối tình xưa. Anh bảo ghen ư? Cũng được". Trong ánh đèn mờ tối, bốn bàn tay lần mò tìm nhau. Rồi cũng gặp được nhau. Siết chặt. Trao gửi niềm tin cậy.
Người mẹ già không được chứng kiến phút giây hạnh phúc tuyệt vời của con trai. Nhưng bằng nhạy cảm của người mẹ, bà hiểu hết, biết hết. Hai đứa đã yêu nhau. Bà thầm mong cái con bé ô sin có học, tháo vát và thông minh này sẽ lôi được thằng con bà thoát khỏi cơn mộng mị đang đến giai đoạn phát rồ. Hóa ra trời phật trong cõi đời này là có thật. Các đấng huyền bí linh thiêng vẫn còn thương xót đến hoàn cảnh mà ban hạnh phúc cho bà, cho con bà. Nước mắt bà ứa ra. Đâu phải cứ buồn mới khóc. Niềm vui quá lớn và bất ngờ cũng khiến người ta rơi lệ.
Một năm sau, trên bức tường mặt tiền của căn nhà được trưng lên tấm biển lớn: "Nhà may thời trang Bình - Hằng".
Cuộc đời gã tưởng ngổn ngang bừa bãi hóa ra vẫn thu xếp lại được gọn gàng ngăn nắp.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN