Nông nghiệp đô thị - hướng đi tất yếu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:10, 20/02/2017
Ðược ví như vành đai xanh của đô thị, nông nghiệp đô thị không chỉ giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn giải quyết được những khó khăn, bất cập trong quá trình đô thị hóa.
TP Hải Dương đang hình thành những vùng sản xuất chuyên canh như vùng trồng hoa tại các phường Hải Tân, Ái Quốc
Triển vọng
Quyết tâm trở thành đô thị loại I trước năm 2020, bên cạnh việc thực hiện các tiêu chí về hạ tầng, TP Hải Dương còn quan tâm tới nông nghiệp đô thị (NNĐT) để tạo sự phát triển hài hòa giữa nông nghiệp với công nghiệp. Theo bà Đỗ Thị Thu, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Hải Dương, đô thị hóa đã phá vỡ quy hoạch về giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sự phát triển của công nghiệp là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp khi tập quán canh tác cũ không còn phù hợp với điều kiện sản xuất mới. Vì vậy, xây dựng nền NNĐT là hướng đi tất yếu và đầy triển vọng góp phần giúp thành phố khắc phục hạn chế của công nghiệp hóa, đô thị hóa. NNĐT tạo nguồn cung thực phẩm tại chỗ cho người dân thành phố, giảm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, còn tạo ra không gian xanh giúp cải thiện môi trường, cảnh quan đô thị.
Tuy nhiên, NNĐT cũng có nhiều yêu cầu mà không phải nơi nào cũng đáp ứng được, đó là sự chuyên canh hóa cao với những cây trồng mang tính đặc thù. Tại TP Hải Dương đang hình thành những vùng sản xuất chuyên canh như vùng rau màu tại các xã An Châu, Thượng Đạt, vùng trồng hoa tại các phường Hải Tân, Ái Quốc... Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được xây dựng, bước đầu cho kết quả khả quan. Từ nền tảng này, thành phố đang hoàn thiện đề án về NNĐT, đưa ra những giải pháp để khai thác tối đa hiệu quả của nó.
Phát huy thế mạnh về sản xuất rau màu và vị trí địa lý, huyện Gia Lộc đã xây dựng Đề án 01 “Quy hoạch và xây dựng vùng hoa, rau quả tập trung theo hướng an toàn tiến tới sạch, phù hợp với kinh tế nông nghiệp ven đô giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, huyện chú trọng tới sản xuất theo hướng VietGAP nhằm nâng cao chất lượng và giá bán sản phẩm, phục vụ nhu cầu nông sản cho các đô thị lớn. Ngoài ra, huyện còn khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng hoa tại các địa phương ven đường tỉnh như Toàn Thắng, Đoàn Thượng, Gia Tân... Không những vậy, huyện còn có những chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư nhà màng, nhà lưới, hướng đến một nền nông nghiệp khoa học, hiện đại. Việc quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp với quá trình đô thị hóa mang lại nhiều lợi ích. Một mặt giúp ngành nông nghiệp không bị "bỏ rơi" trước sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ. Mặt khác góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, đẩy lùi những mặt trái của đô thị hóa.
Định hướng lâu dài
|
NNĐT là điều kiện để các đô thị có thể phát triển bền vững nên cần có định hướng lâu dài, tránh tình trạng thực hiện nửa vời dẫn đến phản tác dụng. Do quỹ đất dành cho nông nghiệp của các đô thị tương đối hạn hẹp nên để NNĐT đem lại hiệu quả kinh tế cao cần sản xuất theo quy trình bài bản, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời lựa chọn những cây trồng đặc trưng, có tính cạnh tranh cao và thị trường tiêu thụ thuận lợi. Trong môi trường NNĐT, nông dân phải là những công nhân nông nghiệp, phải loại bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là cơ sở cốt lõi của NNĐT. Vì thế, việc gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ phải được đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết: “Trong lộ trình phấn đấu lên thị xã, ngoài tập trung đầu tư cho các cụm công nghiệp, khu đô thị, huyện cũng phân tích các yếu tố để xây dựng nền NNĐT. NNĐT sẽ làm cho bức tranh đô thị trở nên cân đối hơn, là giải pháp tối ưu để hạn chế những hệ lụy trong phát triển kinh tế công nghiệp". So với các địa phương khác, huyện Kinh Môn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Địa hình bán sơn địa không phù hợp với những cây trồng khó tính như hoa và một số loại rau màu. Chính vì vậy, căn cứ theo thổ nhưỡng và tập quán canh tác, huyện quy hoạch các vùng sản xuất hành tỏi, sắn dây, cây ăn quả... tập trung. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu tiếp cận công nghệ sản xuất nông nghiệp sạch của Israel và tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Hải Dương được đánh giá là vựa nông sản của miền Bắc. Do đó Hải Dương cũng là vùng NNĐT phục vụ cho các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Đây là lợi thế mà tỉnh có thể tận dụng để đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và tạo thu nhập ổn định cho nông dân.
Cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình đô thị hóa thì NNĐT cũng phải được thực hiện đồng thời. Có như vậy, đô thị hóa mới không phải chịu những áp lực về việc làm, môi trường và an ninh xã hội.
DŨNG CƯỜNG