Nhà có mẹ già
Đời sống - Ngày đăng : 12:17, 20/02/2017
Từ ngày sinh đứa thứ hai, lúc nào chị Lan cũng cảm thấy thiếu thời gian.
Một ngày của chị cứ quay như chong chóng: hết chợ búa, cơm nước, giặt giũ lại gửi đứa bé cho hàng xóm bế hộ rồi đưa đứa lớn đến trường, quay về cho đứa bé ăn bột… Chị không còn thời gian để giải trí, để chăm chút bản thân và luôn luôn trong tình trạng thèm ngủ, mắt thâm quầng. Anh Khải, chồng chị thì bận tối ngày, mong được về ăn bữa cơm đúng giờ với vợ con đã là hạnh phúc lắm rồi nên chị không trông mong anh có thể giúp chị được việc nhà. Hết thời gian nghỉ chế độ thai sản chị còn phải trở lại cơ quan làm việc. Thương vợ vất vả, anh Khải dự định sẽ đón bà nội bọn trẻ đến ở cùng một thời gian để chị Lan rảnh rang làm việc cơ quan. Nhưng anh vừa mới nói, chị đã giãy nảy lên với lý do: “Bà còn phải chăm ông”. Kỳ thực trong bụng chị lo lắng ở cùng mẹ chồng sẽ ra động vào chạm, sẽ không được thoải mái, cả xóm này có cặp vợ chồng trẻ nào ở cùng bố mẹ đâu, thà mình mất ít tiền thuê người giúp việc còn hơn.
Thuê đến người giúp việc thứ ba mà chị Lan vẫn không ưng ý vì người thì chậm chạp, lau được cái nhà đã hết nửa ngày nên chẳng còn làm được việc gì khác; người thì không sạch sẽ, lại còn làm nhà chị bừa bộn thêm; người thì nóng tính, thằng bé khóc mà không biết dỗ dành cưng nựng lại đi phát bồm bộp vào mông nó làm nó càng khóc tợn. Trước mắt chị đã thế, lúc anh chị đi vắng không biết người đó còn mạnh tay cỡ nào. Nghĩ đi nghĩ lại, chị đồng ý để anh Khải đón mẹ sang ở cùng để giúp vợ chồng chị trông con, làm việc nhà, cứ cuối tuần thì anh lại chở mẹ về với bố.
Khi mẹ chồng đến ở cùng, chị Lan mới biết bà muốn giúp anh chị từ lâu rồi nhưng vì anh chị không lên tiếng nên bà sợ các con “không khiến”. Dù đã gần bảy mươi nhưng mẹ chồng chị vẫn khỏe chân khỏe tay, tinh mắt. Sáng sáng, bà dậy sớm cắm nước, ninh cháo cho thằng bé. Sợ con trai và con dâu thức khuya, ngủ ít nên bà làm việc nhẹ nhàng, không gây tiếng động mạnh để con cháu ngủ thêm chút nữa. Từ ngày có mẹ chồng ở cùng, nhà chị Lan lúc nào cũng quạnh quẽ, gọn gàng từ trước ra sau. Phía sau nhà còn thừa ít đất bỏ không, trong lúc cháu ngủ, mẹ chị cũng tranh thủ xới lên trồng rau. Thế là nhà chị có rau sạch để ăn, mùa nào thức ấy. Đi làm về vợ chồng chị chỉ việc thay quần áo rồi ngồi vào mâm cơm nóng hổi. Lúc các con ốm đau, chị cảm thấy nhẹ cả người khi có mẹ chồng ở bên. Chị không còn phải thức trắng cả đêm để ôm con hay cuống quýt gọi taxi đưa con đi bệnh viện nữa. Với kinh nghiệm của người già, với tình cảm hết lòng vì con cháu, mẹ chồng chị dỗ dành bọn trẻ rất khéo nên chị yên tâm.
Bà chẳng nề hà việc gì, kể cả việc rửa bát và giặt quần áo cho con dâu. Nhiều khi chị Lan giữ ý, tranh làm khiến bà còn phật ý: “Mẹ ngồi một chỗ là buồn bực chân tay lắm, nếu các con muốn mẹ ở đây thì hãy để mẹ làm”. Dần dà, chị Lan không giữ ý nữa, cứ để mẹ chồng thích làm việc gì thì làm. Thành ra, chị không phải mó tay vào việc nhà vì mẹ chồng đã làm hết rồi. Chị có thời gian rảnh rỗi để chăm chút bản thân: đi mua sắm, đi làm tóc, gặp gỡ bạn bè, tập gym…Những việc ấy trước kia chỉ nghĩ đến thôi chị đã thấy thật xa xỉ vì quỹ thời gian eo hẹp. Chị đẹp lên trông thấy, da dẻ mỡ màng vì ngủ đủ giấc. Mấy chị hàng xóm ghen tỵ với chị Lan, nói ra miệng: “Sướng nhé! Có mẹ già trong nhà khác nào có ba người ở”.
Hôm trước, mẹ chồng chị vừa bế cháu vừa nói ráo: “Khi nào cháu bà đi nhà trẻ được thì bà phải về với ông”. Chị Lan chột dạ, băn khoăn, lo lắng, không biết làm cách nào để thuyết phục ông bà đến ở hẳn với vợ chồng chị. Không phải chị chỉ mong được bố mẹ chồng giúp đỡ mà chị nghĩ khi các con lớn thì ông bà cũng có tuổi. Chị muốn ở gần bố mẹ chồng để báo đáp phần nào, để những năm tháng tuổi già của bố mẹ được vui vầy bên con cháu.
TRẦN THỊ LÀNH