Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm hàng chục năm thu phí BOT

Thị trường - Ngày đăng : 15:07, 21/02/2017

Chỉ qua kiểm toán 27 dự án cầu đường đầu tư theo hình thức BOT giai đoạn 2011-2016, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị giảm thời gian thu phí đến hàng chục năm.
Kiểm toán nhà nước đề nghị giảm hàng chục năm thu phí BOT

Xe tải và ô tô chen nhau qua trạm thu phí cầu Đồng Nai 9-4 - Ảnh: Hữu Khoa

Đó là nội dung đáng chú ý tại cuộc làm việc sáng 21-2 của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Không đi đường BOT vẫn phải trả phí

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, mặc dù Bộ Tài chính hướng dẫn là trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định, khoảng cách giữa các trạm bảo đảm tối thiểu 70 km, nhưng thực tế không đáp ứng được như vậy.

Không ít trạm thu phí cho dự án này nhưng lại đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án đó dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng hợp đồng BOT nhưng vẫn phải đóng phí.

Do sự đồng ý của nhiều địa phương với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, khoảng cách giữa các trạm thu phí được quy định bảo đảm tối thiểu 70 km. Kiểm toán nhà nước cho rằng cần phải xem lại hướng dẫn nói trên để tránh gây bức xúc dư luận.

Về mức phí, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ hiện nay ngoài các dự án đường cao tốc thu phí theo số km đi trên dự án, các dự án còn lại mức thu phí theo quy định tại Thông tư 159 năm 2013 của Bộ Tài chính. Do đó, mỗi xe qua trạm thu phí không kể chiều dài đường đi được bao nhiêu đều bị thu phí như nhau.

Điều này sẽ rất khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương nơi đặt trạm thu phí khi hàng ngày phải qua trạm, dù chỉ đi quãng đường rất ngắn nhưng vẫn bị trả phí cao.

Mặt khác, trong vận hành, khai thác chưa có kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm. Trong khi đây là tiêu chí quan trọng nhất để tính thời gian thu phí hoàn vốn đối với các dự án được đầu tư theo hình thức BOT.

“Sau khi rà soát các chi phí đầu vào, tính toán lại phương án tài chính cho sát với thực tế và phù hợp với quy định của nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu của đơn vị lập”, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết.

Làm rõ trách nhiệm chính quyền địa phương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh đặt vấn đề: Hiện có 3 luật cơ bản liên quan lĩnh vực này là Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng, nhưng có đủ chế tài để quản BOT không?

“Trong số 27 dự án được kiểm toán thì hầu hết là chỉ định thầu. Vậy bối cảnh nào lại chỉ định thầu, có gấp rút đến mức đó không? Dự án nhỏ mà chỉ định thầu còn rất khắt khe mà sao dự án lớn như vậy lại chỉ định mà không đấu thầu cho công khai, minh bạch? Đặc biệt là cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương” - ông Anh nói.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh quan tâm đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước, rằng kết quả kiểm toán và các kiến nghị có được hiện thực hóa không?

“Liệu có giảm được số năm thu phí như Kiểm toán Nhà nước kết luận? Có xử lý các tổ chức, cá nhân sai sót không? Cần công khai để dân giám sát” - ông Thanh đề xuất.

Ông Thanh thấy rất băn khoăn vì mới kiểm toán có 27 dự án mà có tới 80% phải rút ngắn thời gian thu phí với tổng số cho 27 dự án này gần 100 năm, tiết kiệm bao nhiêu tiền cho dân. “Nếu không phát hiện ra thì thế nào?” - ông Thanh hỏi.

Theo Kiểm toán Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, còn có những khoảng trống pháp luật, dễ gây thất thoát lãng phí.

Hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu đồng bộ từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lập kế hoạch đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư, triển khai thực hiện, khai thác, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện dự án chưa được phân định và làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, hiện tại trong các văn bản quy phạm đã ban hành chưa có chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn những dự án "nâng cấp, cải tạo" hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức BOT hay đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.

Tại nhiều dự án "nâng cấp, cải tạo" tuyến cũ, đối tượng tham gia giao thông không còn cơ hội sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông miễn phí mà bắt buộc phải trả phí cho nhà đầu tư.

Theo Tuổi trẻ