Rèn con lễ phép
Đời sống - Ngày đăng : 16:18, 21/02/2017
- Mẹ thằng Tuệ làm gì mà càu nhàu khiếp thế?
Chị Hải được dịp xả luôn bực tức:
- Đây rồi, anh về mà xem con trai anh mất nết thế nào? Tuệ ơi! Xuống đây ngay!
Tiếng cười của anh Tấn ngưng lại khi thằng Tuệ, chín tuổi từ trên gác bước xuống. Nhìn thấy con, chị Hải lại tiếp tục xa xả:
- Trưa nay có khách tới nhà, nó ngồi đó tỉnh bơ không thèm chào hỏi. Đến khi mẹ hỏi, nó lại bảo: “Khách của mẹ, con việc gì phải chào”. Ngay tuần trước, cụ Tín 80 tuổi đến chơi có việc cần gặp anh, nó cũng không thèm chào hỏi, còn làu bàu gọn lỏn: “Đến tối mới về, hỏi với han cho rách việc”. Con với cái nói năng hỗn hào, thật xấu hổ vì con!
Anh Tấn ngồi xuống ghế rồi chậm rãi bảo:
- Chuyện này để bố con anh nói chuyện với nhau. Chuyện đâu còn có đó mà.
Anh Tấn gọi Tuệ ngồi gần mình rồi hỏi:
- Sự thật khách đến nhà con không chào, con thấy có lễ phép không?
Tuệ đưa tay vuốt vuốt đầu và cười ngượng nghịu:
- Con thấy khách lạ, nên chưa kịp chào thôi ạ!
- Không kể khách quen hay lạ, khách nào đến nhà con cũng cần ứng xử lịch sự. Nếu khách đến nhà con đối xử không tốt, không biết chào hỏi mọi người xung quanh thì họ sẽ không yêu thích, thân thiện với con. Thậm chí họ sẽ đánh giá bố mẹ không biết dạy con.
Nghe bố ôn tồn nói vậy, Tuệ gãi đầu:
- Con không nghĩ lại nghiêm trọng vậy. Từ nay con sẽ nghe lời bố mẹ, chào hỏi lễ phép mọi người ạ.
Anh Tấn cười với con:
- Các cụ bảo “lời chào cao hơn mâm cỗ” con ạ! Đó là cách cư xử có văn hóa với những người xung quanh mình như biết chào hỏi, nói năng lễ độ, nhường nhịn, biết cảm ơn và xin lỗi.
Tuệ cười vui bước ra sân, còn chị Hải nãy giờ nghe hai bố con trò chuyện cứ lẩm bẩm: “Hóa ra quát mắng ầm ĩ chẳng giải quyết được gì. Mình phải học chồng cách giải thích cho con biết đúng, sai”.
NGUYỄN HUY THỰC