Lơ là thực hiện chính sách đối với lao động nữ

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 05:25, 22/02/2017

Nhiều quy định chung chung, không đề ra chế tài xử phạt cụ thể là những kẽ hở để doanh nghiệp lơ là trong thực hiện chính sách pháp luật đối với lao động nữ...



Doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách sẽ giúp lao động nữ gắn bó với công việc.
Trong ảnh: Công ty TNHH May Tinh Lợi có nhiều lao động nữ


Mặc dù Chính phủ đã quy định chi tiết về những chính sách đối với lao động nữ  nhưng nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ vẫn lơ là, thậm chí thực hiện mang tính đối phó.

"Né" để trục lợi

Phụ nữ được pháp luật bảo hộ một số quyền khác biệt so với nam giới trong vấn đề việc làm. Về cơ bản, khi thực hiện những quyền này đối với lao động nữ (LĐN), các đơn vị, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐN sẽ phải tốn thêm một khoản chi phí. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách "lách luật" để giảm thiểu tối đa khoản này. Điển hình như việc né tổ chức khám phụ khoa cho LĐN, không xây dựng nhà vệ sinh riêng, hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ với mức rất thấp... 

Chị Nông Thị C. làm việc cho một công ty da giày ở TP Hải Dương được hơn 3 năm nay. Khi được hỏi về các chính sách đối với LĐN của công ty, chị C. cho biết: Công ty không có nhà tắm cho chị em vệ sinh trong những ngày "đèn đỏ". Nhà vệ sinh chung thì thường xuyên quá tải, bốc mùi khó chịu. Doanh nghiệp làm rất qua loa việc tổ chức khám phụ khoa kèm với khám sức khỏe định kỳ cho LĐN. Hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ với mức 30.000 đồng/tháng là quá thấp so với chi phí gửi trẻ của công nhân, nhất là những người xa quê. 

Theo Ban Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh), hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm chế độ chính sách đối với LĐN theo quy định. Cụ thể như việc làm sổ bảo hiểm xã hội, thanh toán chế độ ốm đau, thai sản còn chậm... Dù sinh con đã hơn 1 năm nay nhưng chị Trần Thị L. (đang làm việc cho một doanh nghiệp ở thị trấn Cẩm Giàng) vẫn chưa được công ty thanh toán tiền thai sản. Họ đổ lỗi cho chị chậm gửi giấy khai sinh của con nên hồ sơ vẫn chưa chuyển đến cơ quan bảo hiểm, mặc dù trước đó chị đã nộp đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định. Không riêng chị L. mà một số nữ công nhân khác cũng nhận được tiền thai sản rất muộn so với thời điểm sinh con. Chị L. cho biết thêm, dù thường xuyên sử dụng hàng trăm LĐN nhưng công ty cũng không bố trí khu vực nhà tắm riêng. Thậm chí, hằng năm công ty cũng không tổ chức khám phụ khoa cho LĐN.

Cần chế tài cụ thể



Lao động nữ có con nhỏ cần được bảo đảm các quyền lợi theo quy định của pháp luật


Ngày 1-10-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với LĐN. Nghị định là một bước tiến quan trọng trong bảo vệ LĐN. Tuy nhiên, có nhiều quy định còn rất chung chung. Ví dụ như về chăm sóc sức khỏe đối với LĐN, chỉ nêu khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để LĐN nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc; người sử dụng lao động căn cứ điều kiện hỗ trợ cho LĐN có con nhỏ... Chính vì những quy định không cụ thể đó nên nhiều doanh nghiệp đã đề ra mức hỗ trợ rất thấp, khiến LĐN bị thiệt thòi.

Tuy nghị định có yêu cầu thực hiện nhưng lại không đề ra chế tài xử phạt cụ thể nếu không thực hiện. Theo bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, Trưởng Ban Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh), đây là kẽ hở để doanh nghiệp lơ là trong thực hiện chính sách pháp luật đối với LĐN. Việc cần thiết lúc này là quy định cần được cụ thể hóa và có một chế tài xử phạt cụ thể. Có như vậy doanh nghiệp mới nghiêm chỉnh thực hiện. Ban Nữ công và tổ chức công đoàn cơ sở cần nắm vững các kiến thức pháp luật, nhất là chính sách đối với LĐN để giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp; đồng thời đưa các nội dung này vào bản thỏa ước lao động tập thể bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đủ...

NGỌC THANH

Người sử dụng lao động phải bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh tại nơi làm việc cho LĐN; khuyến khích áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, phù hợp nguyện vọng của họ. LĐN được hưởng các điều kiện chăm sóc sức khỏe như khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản; trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút/ngày, tối thiểu 3 ngày/tháng, thời gian nghỉ hưởng nguyên lương. LĐN đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi, thời gian nghỉ hưởng nguyên lương. LĐN được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi; được người sử dụng lao động hỗ trợ trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc được hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo.

Theo Nghị định số 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ