Xây dựng lộ trình giảm dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 17:53, 22/02/2017
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat (có công dụng diệt cỏ) ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Nguyên nhân do các hoạt chất trên rất độc hại với sức khỏe con người, nông sản, môi trường và nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng.
Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ các thuốc trừ cỏ có 2 hoạt chất này chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm và được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với 82 sản phẩm thuốc trừ cỏ có 2 hoạt chất trên sẽ không còn được phép sử dụng sau 2 năm nữa.
Trước những băn khoăn của dư luận về việc có loại thuốc trừ cỏ nào với các hoạt chất ít độc hại hơn dùng để thay thế hay không, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định đã có nhiều loại thuốc khác. Quyết định này cho thấy cơ quan quản lý ngành nông nghiệp đã có những bước đi cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người, độ an toàn của nông sản, hướng tới việc giảm sự phụ thuộc quá lớn vào thuốc BVTV hóa học.
Để bảo vệ cây trồng, có nhiều biện pháp như thủ công, hóa học, vật lý, sinh học, canh tác. Nhiều năm trước, nông dân chủ yếu áp dụng biện pháp thủ công và canh tác trong trồng trọt. Tuy nhiên, sau đó, việc áp dụng biện pháp hóa học ngày càng phổ biến do các sản phẩm thuốc BVTV hóa học đa dạng, giá bán rẻ, sử dụng dễ dàng, ít tốn công sức, diệt trừ sâu bệnh nhanh, hiệu quả. Hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hóa học xuất hiện nhiều với các biểu hiện như phun thuốc quá liều lượng, nồng độ, cộng nhiều loại thuốc khác nhau, phun không đúng thời điểm, không bảo đảm thời gian cách ly... Hậu quả của việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học đã rất rõ ràng. Đó là môi trường đất, nước bị ô nhiễm nặng nề, các loài thủy sinh, côn trùng bị tiêu diệt. Một số loại nông sản bị tồn dư hóa chất độc hại vẫn được bán trên thị trường. Những nông dân hằng ngày tiếp xúc với thuốc BVTV hóa học bị suy giảm sức khỏe.
Trước quyết định loại bỏ 2 hoạt chất 2.4D và Paraquat, một số ý kiến cho rằng ngành nông nghiệp phải sớm chấm dứt việc sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học khác và chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tôi cho rằng ý kiến trên chưa thực sự hợp lý. Bởi, hiện nay hầu hết ngành trồng trọt vẫn phải phụ thuộc vào sử dụng thuốc BVTV hóa học. Việc sớm ngừng biện pháp này rất khó mà phải có lộ trình cụ thể. Nếu không dùng thuốc BVTV hóa học thì nông dân sẽ áp dụng biện pháp nào để thay thế? Câu hỏi này không dễ trả lời.
Theo tôi, trước mắt, các cơ quan chức năng và nông dân cần khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hóa học. Đồng thời, xác định lộ trình cụ thể giảm dần việc sử dụng thuốc BVTV hóa học, đi đôi với tìm các biện pháp BVTV khác để thay thế. Hiện nay, thị trường có nhiều loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học với đặc điểm ít độc hoặc gần như không độc hại với cây trồng và sức khỏe con người. Thuốc này khi sử dụng có tác dụng chậm hơn với sâu bệnh, song lại an toàn hơn. Do vậy, việc tăng cường sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học là biện pháp khả thi, có thể phổ biến trên diện rộng trong thời gian tới.
TÍCH LỊCH HỎA (Ninh Giang)