Phát hiện một số thay đổi về độc lực của virus cúm A(H7N9) đối với gia cầm
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:08, 27/02/2017
Cụ thể, ngày 18-2-2017, Tổ chức Y tế thế giới đã được thông báo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Trung Quốc về kết quả giải trình tự gen của virus được phân lập từ 2 bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) tại Quảng Đông, phát hiện một số thay đổi của virus cúm A(H7N9) cho thấy virus đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.
Trước đó, ngày 17-2-2017, theo thông báo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Đài Loan (Trung Quốc) về kết quả giải trình tự gen của virus được phân lập từ 1 bệnh nhân cúm A(H7N9) tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng phát hiện sự thay đổi của virus cúm A(H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sự liên tục thay đổi như vậy là một đặc điểm tự nhiên của virus cúm do quá trình tái tổ hợp; do đó quan trọng là phải tiếp tục cảnh giác với sự thích ứng của virus cúm gia cầm ở người và các loài động vật có vú khác. Hiện nay chưa có bằng chứng về sự thay đổi của virus cúm A(H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người.
Từ tháng 10-2016 đến 22-2-2017, tại Trung Quốc đã ghi nhận 425 trường hợp cúm A(H7N9) ở người. Đến nay, tổng cộng 1.223 trường hợp được chẩn đoán nhiễm virus cúm A(H7N9) đã báo cáo đến Tổ chức Y tế thế giới từ tháng 3-2013.
Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm A(H7N9) sang người, xâm nhập vào nước ta, người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời...
Theo TTXVN