Tránh lách luật trong thực hiện tăng lương tối thiểu

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 06:35, 01/03/2017

Tăng lương đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến lợi nhuận nên rất dễ xảy ra tình trạng doanh nghiệp lách luật hoặc tìm mọi cách để giảm tối đa chi phí...


Nghị định số 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định từ tháng 1-2017, mức lương tối thiểu vùng doanh nghiệp phải trả cho người lao động (NLĐ) sẽ tăng từ 180.000-250.000 đồng/người/tháng tuỳ theo từng vùng khác nhau.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện quy định này. Tuy nhiên, thực tế đã nảy sinh một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NLĐ. Trong các ngày từ 18 đến 21-2 vừa qua, hơn 2.000 công nhân Công ty TNHH Nam Yang Delta (khu công nghiệp Đại An) đã đình công. Trong các lý do công nhân nêu ra có việc công ty đã thực hiện tăng lương sai quy định. Tuy công ty tăng lương cho tất cả NLĐ với mức 250.000 đồng/người/tháng nhưng không cộng vào lương cơ bản đang chi trả cho NLĐ mà tính vào tiền trợ cấp kỹ năng hằng tháng. Theo cách tính trên, công nhân lo ngại rằng công ty sẽ không tính số tiền này vào phần trích đóng bảo hiểm xã hội và trong trường hợp công nhân không đạt sản lượng sẽ bị cắt giảm tiền trợ cấp kỹ năng. Cuộc đình công đã tạo ra áp lực và buộc lãnh đạo công ty phải đưa số tiền tăng thêm nói trên vào lương cơ bản cho công nhân.

Tỉnh ta hiện có hơn 9.000 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động. Tăng lương đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến lợi nhuận nên rất dễ xảy ra tình trạng doanh nghiệp lách luật hoặc tìm mọi cách để giảm tối đa chi phí đối với NLĐ như trường hợp Công ty TNHH Nam Yang Delta nói trên. Đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc tăng lương tối thiểu ở các doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

NGỌC HÂN(TP Hải Dương)