Tăng cường các biện pháp ngăn ngừa virus cúm gia cầm
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:57, 02/03/2017
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, ngày 28.2 UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, đặc biệt lưu ý những địa phương đã xảy ra ổ dịch cũ, phát hiện sớm gia cầm ốm, chết bất thường. Đối với gia cầm nghi ngờ mắc bệnh cúm gia cầm, cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm sống và sản phẩm gia cầm nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không có nguồn gốc rõ ràng. Vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành xây dựng phương án phòng chống dịch cúm gia cầm, chuẩn bị đầy đủ vaccine, vật tư cần thiết khi có dịch phát sinh trên địa bàn. Phối hợp với các ngành như công an, quản lý thị trường... kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm về vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Luật Thú y. Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư cần thiết khi có trường hợp bệnh cúm gia cầm lây sang người.
* Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) thực hiện phun khử trùng toàn bộ khu nuôi nhốt gia cầm sống, khu giết mổ và các dụng cụ giết mổ mỗi ngày 1 lần, khơi thông cống rãnh để tránh ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh. Trạm Thú y TP Hải Dương cử cán bộ thú y giám sát cơ sở giết mổ 24/24 giờ, yêu cầu tất cả gia cầm sống được nhập vào từ tỉnh khác đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y tại địa phương đó.
Hiện nay, mỗi ngày cơ sở giết mổ từ 300-400 con gia cầm, tất cả gia cầm đều có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.
* Ngày 1.3, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Các cơ sở điều trị trong tỉnh rà soát kế hoạch thu dung điều trị bệnh cúm A/H7N9, cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 của đơn vị; kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh các phương án phòng chống dịch (chú ý bố trí khu khám bệnh, cách ly điều trị cho bệnh nhân khi có triệu chứng nghi ngờ bị nhiễm các loại bệnh trên). Giám sát chặt chẽ bệnh nhân vào khám, điều trị tại bệnh viện, kịp thời phát hiện các trường hợp có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, có triệu chứng nghi ngờ để cách ly, theo dõi (đặc biệt lưu ý các trường hợp mới trở về từ Trung Quốc, Campuchia). Khi có các trường hợp nghi ngờ cần báo cáo ngay về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để lấy mẫu bệnh phẩm và triển khai kịp thời việc cách ly, điều trị, phòng chống dịch.
PV