Nghi vấn chồng chất trong vụ án Đoàn Thị Hương
Tin tức - Ngày đăng : 15:23, 03/03/2017
Nạn nhân người Triều Tiên có tên trong hộ chiếu là Kim Chol, được cho là ông Kim Jong Nam, anh trai của lãnh đạo Kim Jong Un. |
Theo hình ảnh trích xuất từ camera an ninh tại sân bay, hai nữ nghi phạm – Đoàn Thị Hương và Siti Aishah đã tấn công người đàn ông bằng cách ấp chất độc lên mặt nạn nhân.
Hiện nay, chỉ có duy nhất phía Malaysia tiến hành khám nghiệm tử thi và kiểm định chất độc VX trong vụ án mạng.
Bản thân tuyên bố này của Malaysia cũng làm dấy lên nghi ngờ, liệu có thật là chất độc VX đã được dùng để hạ sát người đàn ông Triều Tiên?
Về độc tính, VX được cho là mạnh hơn 100 lần so với sarin. VX bị Cơ quan phòng chống vũ khí hóa học cấm hoàn toàn vào năm 1993. Theo Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ, VX có dạng lỏng, không mùi vị, màu hổ phách. Chỉ cần một giọt VX tiếp xúc lên da cũng có thể gây tử vong trong vài phút.
VX được hấp thụ vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc lên da, mắt. Nếu phơi nhiễm VX với liều lượng thấp, có thể gây ra các triệu chứng như chảy nước mũi, đau mắt, mờ mắt, chảy dãi, tức ngực, thở gấp, buồn nôn, nôn hoặc bải hoải.
Tờ New Scientist phân tích, vụ đầu độc này có nhiều điểm bất thường, nếu VX thực sự được sử dụng:
Thứ nhất, sau khi người đàn ông bước ra phía nhân viên sân bay trình báo sự việc và kêu gọi trợ giúp, ông bước khá vững chãi và chắc chắn, không có biểu hiện gì khác lạ, như là lảo đảo, co giật hay sùi bọt mép (các triệu chứng khi trúng độc VX).
Thứ hai, nữ nghi phạm tấn công chỉ cầm theo một tấm vải và có vẻ như không có biện pháp bảo hộ nào. Sau khi ra tay tấn công nạn nhân, cô ta đi tới nhà vệ sinh và rửa tay. Một trong hai nghi phạm bị nôn. Cả hai nữ nghi phạm này đều tiếp xúc với chất độc VX nhưng dường như họ đều không bị ảnh hưởng.
“Bất kỳ một giọt chất độc rất nhỏ bắn vào cơ thể cô gái cũng gây ra một vài triệu chứng nào đó” – chuyên gia về vũ khí hóa học Jean-Pascal Zanders nói. “Cô ấy đã bị bắt, nhưng không có thông tin nào tương tự vậy được công bố”.
Nghi vấn này cũng được phía Triều Tiên nhắc lại nhiều lần, rằng nếu hai nghi phạm tấn công bằng VX thì họ đã phải nhiễm độc. Triều Tiên bác bỏ kết quả khám nghiệm tử thi của phía Malaysia, và coi việc sử dụng VX trong vụ án mạng này là ‘vô lý’.
Thứ ba, nhiều khả năng hai nghi phạm nữ đã được dùng thuốc atropine trước đó để giải độc. Nhưng, các nhân viên y tế đã đưa người đàn ông Triều Tiên cấp cứu cũng không ai bị triệu chứng gì bất thường.
Trước khi tử vong, nạn nhân bị co giật – đây là triệu chứng nếu bị nhiễm độc VX cũng như nhiều chất độc khác. Nếu là VX, các nhân viên y tế chắc hẳn đã phải bị phơi nhiễm chất độc trong quá trình tiếp xúc nạn nhân, và có các triệu chứng liên quan.
Hơn nữa, ông Zanders cho biết, nếu là VX, thì sảnh sân bay cũng phải nhiễm độc. Malaysia sau đó cho biết, các nhân viên y tế không có biểu hiện gì bất thường, sân bay đã được làm vệ sinh sạch sẽ.
Theo chuyên gia Zanders, để chắc chắn thì mẫu vật từ thi thể nạn nhân nên được đưa tới một phòng thí nghiệm được cấp chứng nhận của Cơ quan phòng chống vũ khí hóa học. Một phòng thí nghiệm như vậy có ngay tại Singapore.
Lê Thu (Vietnanet)