Khắc phục lúa xuân chậm phát triển
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:37, 04/03/2017
Thời tiết khô hanh cũng khiến một số loài sâu chích hút như rệp muội, bọ trĩ phát sinh gây hại lúa non. Trước tình trạng trên, nông dân cần thực hiện kịp thời bằng một số kỹ thuật tác động và biện pháp canh tác sau:
- Duy trì thường xuyên lượng nước thích hợp cho lúa non phát triển, nhất là các diện tích lúa gieo vãi. Mực nước nên duy trì cho lúa non khoảng 2-3 cm. Các chân ruộng không được cày ải nỏ, rễ lúa hiện thâm đen cần phải xử lý đất để giảm ngộ độc hữu cơ bằng các chế phẩm như phân bón cải tạo đất Rhizomyx 2.5G, Biobus. Bổ sung thêm dinh dưỡng qua lá cho cây bằng các dòng phân bón siêu lân + vi lượng nhằm tăng sức đề kháng và cây ra rễ mới nhanh hơn. Tuyệt đối không nên bón phân qua gốc lúa này, đợi khi cây nhú rễ trắng mới tiến hành bón thúc bằng phân vô cơ (đạm + kali), hoặc NPK chuyên dùng.
- Cải tạo chua cho đất: Các chân ruộng dù đã bón phân thúc mà rễ lúa bị nghẹt vẫn không lên được, ruộng trũng lại ứ nước lâu ngày thì nên rắc vôi tả (15-20kg/sào) để khử chua cho đất.
* Lưu ý: Các chân ruộng này không nên bón thúc nhiều lân supe vì càng làm tăng thêm độ chua cho đất. Tốt nhất nông dân nên sử dụng các loại phân bón siêu lân (lân hữu cơ) được chiết xuất và đóng trong các chai để thúc cho lúa ra rễ mới. Ưu tiên sử dụng các chế phẩm giàu Humic.
- Bón thúc kịp thời: Nhiều nơi nông dân vẫn có tập quán gieo cấy chay (không bón lót) nên lúa non sau gieo cấy bị thiếu hụt dinh dưỡng, gặp thời tiết bất lợi sẽ dễ bị chết dần, nhất là lúa gieo thẳng. Vì vậy, nông dân cần bổ sung dinh dưỡng cho lúa kịp thời. Bón thúc từ 3-4 kg u rê và 1,5 kg ka li/sào đối với lúa chất lượng cao; rắc 4-5kg u rê và 2 kg ka li/sào lúa năng suất cao, hoặc sử dụng phân tổng hợp NPK chuyên dùng, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới dưỡng cho lúa.
* Chú ý:
+ Những ruộng lúa non sau gieo thẳng nếu bị bọ trĩ hoặc rệp muội gây hại mạnh cần sử dụng các dòng thuốc thảo mộc hoặc sinh học phun trừ nhằm diệt sâu, đồng thời bảo vệ và duy trì được các thiên địch trong ruộng lúa.
+ Nếu trong ruộng có cỏ lồng vực phát triển hoặc ốc bươu vàng xuất hiện trong khi lúa còn non yếu, rễ kém hồi phục, thời tiết vẫn giá rét thì không nên xử lý thuốc ốc hoặc cỏ lúc này vì lúa sẽ bị ảnh hưởng xấu. Tốt nhất nên diệt ốc bằng biện pháp thủ công (thu lượm) và diệt cỏ ở thời điểm sau khi lúa đã hồi phục được.
KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)