Nguy hiểm cầu phao Mũ

Tin tức - Ngày đăng : 08:15, 06/03/2017

Chiếc cầu phao Mũ xuống cấp nghiêm trọng, hàng ngày có nhiều người và phương tiện qua lại rất nguy hiểm nếu không được khẩn trương sửa chữa, nâng cấp...



Cầu phao Mũ xuống cấp khiến người dân khi đi qua luôn nơm nớp lo sợ


Qua cầu phao Mũ là lối đi ngắn nhất để người dân 2 xã Phượng Kỳ và Hà Kỳ (Tứ Kỳ) qua lại với nhau, cũng là đường bà con một số xã khu Hạ lên thị trấn Tứ Kỳ hoặc sang thị trấn Ninh Giang nhanh nhất. Thế nhưng chiếc cầu phao nối 2 bờ sông Cửu An giờ đã bị xuống cấp nặng.

Rủi ro rình rập

Trước kia tại khu vực cầu phao Mũ bây giờ có một bến đò. Hằng ngày, người dân địa phương qua sông bằng con thuyền gỗ chèo tay. Khoảng trước năm 1975, một đám cưới tổ chức rước dâu qua bến đò này nhưng không may bị chìm do quá tải. Hơn 30 người thiệt mạng, ngày vui bỗng chốc biến thành đại tang. Bến đò sau đó vẫn hoạt động, chỉ có điều người dân luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi có việc phải qua sông. Năm 1996, sau khi huyện Tứ Lộc chia tách, được các cấp có thẩm quyền cho phép, ông Bùi Quang Long (quê ở xã Minh Đức, thường trú tại TP Hải Dương) đã đầu tư làm một chiếc cầu phao thay thế cho bến đò Mũ. Từ ngày có cầu phao, nhân dân 2 xã phấn khởi do việc đi lại đã thuận tiện và có phần an toàn hơn.

Sau hơn hai chục năm khai thác, cầu phao Mũ giờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu dài khoảng hơn 100 m, rộng 2 m được nối với nhau bằng gần 20 nhịp phao đã hoen rỉ. Các dầm, ống thép nối các nhịp phao với nhau cũng trong tình trạng tương tự. Mặt cầu là những thanh gỗ nứt toác và hàng chục tấm sắt đủ kích cỡ cũng đã hoen rỉ, có tấm bị bào mòn, thủng lỗ chỗ. Hai bên thành cầu phao không có lan can mà chỉ buộc tạm bợ thân cây cau, tre, gỗ thành gờ. Mỗi lần có đông người và phương tiện xe đạp, xe máy đi qua là chiếc cầu  chòng chành, rung lắc. Người lái nếu không vững tay dễ bị ngã xuống sông. Anh Cản, một người thường xuyên câu cá ở khu vực cầu phao Mũ kể: “Lần trước có một thanh niên đi xe máy chở mấy thanh gỗ đi qua cầu phao. Tôi đang câu cá nghe thấy tiếng ùm một cái. Quay ra thì đã thấy anh đó lóp ngóp bơi trên mặt sông, còn xe máy và gỗ thì chìm nghỉm. Lần khác có bác cũng đi xe máy chở theo 2 sọt lợn con, đến giữa cầu phao thì mất lái, cả người và xe đều lao xuống sông”.

"Có lẽ vì tiền thu từ việc bán vé được ít trong khi phí đầu tư sửa chữa thì nhiều nên họ chưa khắc phục."


Người dân sống gần khu vực này cho biết vào mùa mưa bão nước sông dâng cao, gió to, sóng lớn, nhiều trường hợp chỉ đi bộ qua cầu phao mà vẫn ngã. Một số người trung tuổi ở xã Phượng Kỳ trước đây thường chở rau bằng xe đạp đi lối cầu phao sang chợ bên huyện Ninh Giang để bán nhưng lâu nay không dám đi nữa. Chị Nguyễn Thị Phượng ở xã Minh Đức chia sẻ: “Chủ nhật tuần trước tôi sang thăm một người bạn thân mới sinh con ở xã Hà Kỳ. Chưa đi lối cầu phao Mũ bao giờ nhưng nghe mọi người bảo đi lối đó gần nên tôi đã thử. Tới nơi nhìn thấy cầu phao ọp ẹp, không có lan can tôi đã run bắn cả lên, đành quay lại đi lối khác”.

Bà Nguyễn Thị Phấn (70 tuổi) ở thôn Tứ Kỳ Hạ cho biết trước đây bà vẫn qua cầu chơi với người quen hoặc sang bờ sông bên kia cắt cỏ, vớt bèo. Nhưng mấy năm nay bà không dám qua sông vì mỗi lần nhìn thấy chiếc cầu phao bồng bềnh giữa mênh mông sông nước với các tấm sắt hoen rỉ, những cây gỗ mục nát là sợ. “Con rể và con gái của tôi làm ở công ty bên thị trấn Ninh Giang gần nhà lại có thu nhập ổn định. Nhưng giờ 2 đứa đã xin về Công ty TNHH GFT Việt Nam ở xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) làm vì cầu phao Mũ đã xuống cấp nặng, rất nguy hiểm. Hơn nữa họ hay cắt cầu để cho tàu, thuyền đi qua thành ra nhỡ việc”, bà Phấn nói.

Cần sớm nâng cấp



Hai bên thành cầu phao không có lan can mà chỉ được buộc tạm bợ thành gờ bởi thân cây cau, tre, gỗ đã mục


Cầu phao Mũ ngày càng xuống cấp nặng nhưng rất ít khi được nâng cấp, tu sửa. Anh Đ., một công nhân làm nghề vận chuyển vật liệu xây dựng ở khu vực này cho hay: “Gỗ, tre mục nát, không ít phên sắt trên cầu phao đã hoen rỉ, thủng lỗ chỗ nhưng chưa thấy quản lý cho thay mới, sửa chữa. Mấy lần thấy công an địa phương ra nhắc nhở nhưng họ chỉ làm qua loa, đại khái cho xong”.

Bà Trần Thị Hà, Bí thư Đảng ủy xã Phượng Kỳ cũng xác nhận việc này. Theo bà, cầu phao Mũ hoạt động là do cấp trên cấp giấy phép. Chính quyền xã vẫn thường xuyên gửi thông báo bằng văn bản hoặc cử người xuống tận nơi yêu cầu người quản lý cầu phao phải định kỳ tu sửa, khắc phục những chỗ bị hỏng để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi đi qua. “Có lẽ vì tiền thu từ việc bán vé được ít trong khi phí đầu tư sửa chữa thì nhiều nên họ chưa khắc phục”, bà Hà nói.

Đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tứ Kỳ cho biết hằng năm đều phối hợp tổ chức kiểm tra định kỳ và thường xuyên nhắc nhở người quản lý cầu phao Mũ phải có biện pháp khắc phục, sửa chữa những vị trí bị xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn. Huyện cũng nhiều lần động viên chủ đầu tư bố trí kinh phí để tiến hành nâng cấp tổng thể cầu phao, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con nhân dân nhưng do họ gặp khó khăn về tài chính nên chưa làm được.

Cầu phao Mũ nằm trên lộ trình của tuyến đường 191N nối các xã Văn Tố - Phượng Kỳ - Hà Kỳ (Tứ Kỳ) tới giáp địa phận thị trấn Ninh Giang. Hiện tuyến đường này đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp và sẽ sớm hoàn thành trong thời gian không xa. Thời gian tới, dự kiến lưu lượng người và các phương tiện đi qua đây sẽ ngày một đông hơn. Vì vậy, cầu phao Mũ cần nhanh chóng được nâng cấp, sửa chữa để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

BÌNH MINH