Tích tụ ruộng đất: Kết quả bước đầu ở Gia Lộc
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:39, 07/03/2017
Các mô hình tích tụ ruộng đất ở Gia Lộc đã và đang mang lại hiệu quả cao, góp phần xóa bỏ ruộng hoang, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa...
Giá trị sản xuất ở xã Liên Hồng được nâng cao sau khi nông dân dồn đổi ruộng và trồng rau màu quy mô lớn
Nhiều năm nay, cánh đồng khu Tân Lộc, xã Hoàng Diệu bị bỏ hoang. Nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng bởi rủi ro nhiều mà hiệu quả sản xuất lại thấp. Nhưng khi có cá nhân, doanh nghiệp ngỏ ý thuê đất để tổ chức lại sản xuất thì người dân không đồng thuận. Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lộc cho biết: "Nông dân không mặn mà canh tác nhưng cũng nhất quyết không giao đất bởi tâm lý lo sợ sẽ bị mất quyền lợi. Tư duy tiểu nông là rào cản lớn khiến việc gom đất gặp nhiều khó khăn. Lợi ích giữa các bên không thể dung hòa là một trong những nguyên nhân khiến khu đồng màu mỡ ngày nào bị bỏ hoang một thời gian dài".
Trước tình trạng lãng phí đất đai, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lộc đã đứng ra vận động, thuyết phục người dân dồn ruộng, giao cho các cá nhân, tập thể có nhu cầu sản xuất thuê lại. HTX cam kết là đại diện pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho nông dân khi xảy ra tranh chấp, do đó đã nhanh chóng lấy được lòng tin của người dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 55 ha ruộng bỏ hoang đã được người dân đồng ý cho thuê với giá 200.000 đồng/sào/năm. Việc HTX chủ động tích tụ ruộng đất mang lại nhiều lợi ích. Địa phương không chỉ xóa được ruộng hoang mà còn nâng cao giá trị sản xuất khi được các cá nhân, tổ chức có tiềm lực về kinh tế mạnh dạn đầu tư. "Đây còn là giải pháp thiết thực để hoạt động hiệu quả sau chuyển đổi vì HTX đảm nhận các khâu dịch vụ như làm đất, điều tiết nước... cho sản xuất. Đến nay, diện tích đất bỏ hoang đã được sản xuất theo mô hình lúa hàng hóa, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật và được liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương bao tiêu sản phẩm", ông Dũng cho biết thêm.
Đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ, nông dân canh tác theo tập quán, thói quen đã làm gia tăng chi phí sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, chỉ khi tích tụ ruộng đất, hướng đến phương thức sản xuất mới thì mới tháo gỡ được những vướng mắc mà nông nghiệp đang gặp phải. Anh Trần Văn Đoàn ở huyện Thanh Miện thuê gần 10ha đất ở huyện Gia Lộc để trồng rau màu. Theo anh Đoàn, thuê đất với diện tích lớn rất khó khăn bởi đất thuộc quyền sử dụng của nhiều hộ dân. Thuyết phục được hộ này đồng ý cho thuê thì hộ khác lại không chấp thuận nên đất khó liền thửa để có thể làm ăn lớn. Tuy nhiên, việc thuê đất ở Gia Lộc thuận lợi hơn do có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và các đoàn thể. Mặc dù vậy, thời gian thuê đất không dài nên anh vẫn đầu tư có phần dè dặt.
Nhờ tích tụ ruộng đất, xã Hoàng Diệu đã xóa bỏ được ruộng hoang
Mặc dù việc tích tụ ruộng đất ở Gia Lộc đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu bởi phần lớn người dân còn tư tưởng sợ mất ruộng. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất còn eo hẹp, khó có thể khích lệ cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Để có thể xây dựng thêm nhiều mô hình tích tụ ruộng đất, mở hướng sản xuất quy mô lớn theo hướng tập trung, huyện cần có giải pháp lâu dài để vừa có được sự đồng thuận của nông dân, vừa kêu gọi cá nhân, tổ chức đầu tư vào nông nghiệp.
PV