Người mẹ trẻ đi tìm con trong tuyệt vọng

Đời sống - Ngày đăng : 09:32, 10/03/2017

Người bạn trai đến mang em bé đi, Huyền không nghi ngờ gì. Nhưng lần ấy anh mang bé đi và không trả con lại cho Huyền.


Người mẹ trẻ đi tìm con trong tuyệt vọng
Huyền trình bày câu chuyện của mình ở báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Hoàng Điệp

Hành trình đòi con tưởng như tuyệt vọng của bà mẹ trẻ này bắt đầu. Đằng đẵng 2 năm trời vừa làm vừa truy tìm manh mối, với sự giúp đỡ của rất nhiều người, cuối cùng người mẹ ấy đã tìm thấy đứa con của mình.

Nhưng hành trình đưa bé trở về sống với mình không đơn giản. Đó là hành trình nhiều gian nan và nước mắt.

Chuyện tình xuyên quốc gia

Cuối năm 2013, Nguyễn Thị Thanh Huyền, người phụ nữ sinh năm 1985, quê ở Khánh Hòa, đến tòa soạn  gặp chúng tôi. Cô nói rằng: “Bạn trai của em bắt và giữ con em rồi, em không biết phải làm sao. Chị có thể giúp gì cho em không?”.

Câu chuyện của Huyền không phức tạp về tình tiết, nhưng lại rắc rối về pháp lý. Và chúng tôi thấy rằng bạn trai của Huyền không chỉ am hiểu tường tận pháp luật Việt Nam mà còn hiểu cả tính nết của người Việt Nam nữa. Đó là một doanh nhân người Pháp.

Họ yêu thương nhau thật lòng và tính chuyện con cái. Huyền có thai và người bạn trai rất vui mừng. Nhưng khi Huyền có thai, người bạn trai này đưa ra nhiều điều kiện để đảm bảo quyền lợi cho đứa trẻ: phải có quốc tịch Pháp, không nhận quốc tịch Việt Nam, Huyền phải sang Pháp sinh con để đảm bảo đứa trẻ được chăm sóc đầy đủ nhất.

Tuy nhiên, người bạn trai này không bàn đến chuyện kết hôn với Huyền mà chỉ tính đưa Huyền sang Pháp để sinh đẻ cũng như giới thiệu Huyền với gia đình mình.

“Lúc ấy em nghĩ, ủa, hóa ra ảnh chỉ nghĩ đến đứa con, còn không nghĩ gì tới em hết. Không kết hôn, đứa trẻ không có quốc tịch Việt Nam, nó lại được sinh ra ở Pháp, vậy em sẽ thế nào?” - Huyền nghĩ và đặt câu hỏi.

Rồi Huyền cũng tự trả lời, có thể bạn trai muốn “gạt” Huyền ra khỏi cuộc sống đứa trẻ. Không muốn kết hôn, chỉ muốn con, và muốn con được nuôi dạy tại Pháp, cắt đứt mọi liên hệ của nó đến nguồn gốc Việt Nam.

Suy nghĩ vậy, Huyền không đồng ý các đề nghị mà người bạn trai người Pháp đưa ra. Cô nói cô muốn sinh con ở Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam, được nuôi dạy ở Việt Nam. Nếu sau này con lớn thì đưa con sang Pháp.

Cuộc chia tay chóng vánh

Bất đồng trong cách giải quyết, hai người chia tay nhau khi cái thai mới được 6 tháng tuổi. Tuy chia tay nhau nhưng Huyền cho rằng đứa trẻ vẫn cần có cha, vậy nên sau khi sinh con, cô đồng ý để đứa bé được cha đón nhận và chăm sóc.

“Vì em nghĩ con em là con gái, cha yêu thương nó thì nó sẽ trọn vẹn tình yêu của cả cha và mẹ, dù cha mẹ không còn sống bên nhau nhưng được cả cha mẹ chăm sóc thì sẽ tốt hơn cho tương lai của bé”.

Do đó, hằng tuần người cha vẫn đến căn hộ mà hai mẹ con đang ở để được bế ẵm, chăm sóc em bé. Em bé được mẹ đặt cho cái tên thật đẹp: Sara Thiên Kim!

Không chỉ đến thăm con, người bạn trai thỉnh thoảng xin phép Huyền đưa bé về trụ sở công ty, đồng thời cũng là nơi ở của anh để bé được tiếp xúc với nhiều người khác là đồng nghiệp của anh.

Huyền cũng chẳng mảy may nghi ngờ, bởi mỗi lần đưa con đi như vậy, người đàn ông đều rất nghiêm túc mang bé trả lại đúng giờ quy định.

Hôm thì đưa đi 2 tiếng, hôm thì đưa đi 3 tiếng. Những lúc bé về chơi với cha, Huyền có thời gian để nghỉ ngơi chút xíu sau những đêm thức khuya chăm con. Huyền cũng nghĩ rằng mình làm vậy để bé được yêu thương nhiều nhất.

Một lần, người bạn trai đến mang em bé đi, Huyền không nghi ngờ gì. Nhưng lần ấy anh mang bé đi và không trả con lại cho Huyền. Lúc ấy, em bé mới được 3 tháng rưỡi. Quá giờ quy định không thấy con về, Huyền liên lạc, người bạn trai không bắt máy.

Và từ đấy Huyền không thể gặp được con.

Cũng phải đến khi đó Huyền đi tìm hiểu mới biết được rằng bệnh viện đã cung cấp giấy chứng sinh cho cha của bé khi Huyền còn đang đau đớn sau sinh, rồi từ giấy chứng sinh này, người bạn trai đã đến lãnh sự quán làm khai sinh cho em bé.

Khai sinh xong, anh ta tự mang bé đi, giành quyền chăm sóc và tước em bé khỏi sự yêu thương của mẹ.

Người mẹ trẻ đi tìm con trong tuyệt vọng
Huyền đi tìm con gái - Ảnh: T.H

Tách con khỏi mẹ

Công ty, cũng là nơi ở của bạn trai Huyền là một dãy nhà trên đường Xuân Thủy, quận 2 được xây tường cao và có rào bằng thép gai, xung quanh đặt camera dày đặc. Huyền đến đó nhiều lần để xin được gặp con nhưng không ai mở cửa cho Huyền vào.

Cha của đứa trẻ cũng không nghe điện thoại. Anh chỉ thông báo bằng thư điện tử cho Huyền biết anh đang giữ đứa trẻ và nó an toàn!

Khi đó Huyền tìm đến chúng tôi, cô khóc lóc rất nhiều: “Em bị căng sữa vì mấy ngày nay em bé không được bú sữa mẹ. Ông ấy giữ con bé, em đã đến nhiều lần nhưng không thể nào gặp được con”.

Và mỗi sáng sớm, mỗi đêm khuya, người mẹ ấy phải tự tay nặn bầu ngực của mình cho bớt sữa, để sữa vẫn được về đều, bởi cô hi vọng khi gặp lại bé thì bé vẫn còn sữa mẹ để bú.

Nhưng hi vọng, mong mỏi và cả nước mắt của Huyền không làm lay động người đàn ông ngoại quốc. Anh ta cũng bỏ mặc nhu cầu của một đứa trẻ là cần được bú mẹ. Bỏ mặc sự đau khổ của Huyền và đóng chặt cánh cổng vừa là trụ sở nơi làm việc, vừa là nơi kinh doanh mỗi khi Huyền đến.

Anh ta tắt điện thoại, không trả lời email và từ chối mọi thông tin liên hệ được gửi từ Huyền. Có nằm mơ Huyền cũng không bao giờ nghĩ mình bị tước đi đứa con một cách dễ dàng như thế.

Khóc lóc không được, Huyền nhờ đến luật pháp. Nhưng oái oăm thay, mọi sự can thiệp của luật pháp đều cần phải có quy trình.

Nước mắt của người mẹ không ngừng chảy, và sau vài tháng, những giọt sữa cuối cùng của cô cũng đã cạn.

Huyền vẫn cậy nhờ tất cả các mối quan hệ để có thể được gặp con nhưng mọi mối quan hệ và cố gắng của Huyền đều không được đáp trả.

Vẫn miệt mài gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng của Việt Nam và cơ quan ngoại giao của Pháp tại Việt Nam nhưng không nơi nào chỉ cho Huyền cách để giành lại em bé.

Sau 6 tháng, người đàn ông ngoại quốc ấy đã mang em bé rời Việt Nam!

“Khi làm việc với cơ quan xuất nhập cảnh, tôi nhận được thông báo em bé đã được xuất cảnh sang Pháp cùng cha. Tôi khóc ngất đi bởi không biết mình sẽ làm thế nào để tìm lại được em bé.

Dù khi ở Việt Nam không được gặp con nhưng dù sao cũng biết cháu đang ở gần mình. Cha của bé mang sang Pháp là để tôi không thể nào tìm lại con mình nữa, ông ta muốn cắt đứt vĩnh viễn quan hệ giữa tôi và con gái” - Huyền nói.

Nhưng cũng từ đấy, cô đã bắt đầu nghĩ đến việc phải sang Pháp tìm em bé, dù bằng bất cứ cách nào. Bao nhiêu tiền có được cô tính toán để chuẩn bị cho một hành trình dài: tìm con trên đất Pháp!

HOÀNG ĐIỆP (Tuổi trẻ)