Tràn lan rượu “3 không”

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:20, 12/03/2017

Lại có thêm 7 người ngộ độc methanol nhập viện ở Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong ngày 10.3.

Tràn lan rượu “3 không”

7 sinh viên sư phạm bị ngộ độc tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện 3 sinh viên đang hôn mê. Ảnh: BVCC

Đó là các sinh sinh viên quê ở Gia Lai, tuổi từ 21-27, gồm 5 nam, 2 nữ, học ở Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (cơ sở tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội).

TS Hà Trần Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết cả 7 sinh viên ngộ độc đều đang trong tình trạng khá nặng, tất cả đều có chỉ định lọc máu để thải trừ methanol, toan chuyển hóa nặng, trong đó có 3 người hôn mê sâu, phải thở máy.

Qua tìm hiểu bệnh, ngày 8.3 vừa qua nhóm này đã mua 1,5 lít rượu không có nhãn mác về phòng trọ liên hoan, bữa ăn kéo dài đêm 8.3 thì đến ngày 9.3 một số người trong nhóm xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, mờ mắt, nôn ra máu... và được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện 198. Sáng 10.3 thì chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Rượu nhà tự nấu, ngon lắm...!

Rượu không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không thành phần chiết xuất (rượu 3 không) vẫn được bày bán khắp nơi, trong khi tình hình ngộ độc rượu chứa methanol gần đây tăng đột biến. Nhiều quán cơm, tiệm tạp hóa hay các quán cóc ven đường đều có bán rượu trôi nổi.

Phổ biến nhất là loại rượu trắng không nhãn mác được gọi với tên "rượu quê" có giá bán buôn tại Hà Nội chỉ khoảng 10.000 đồng/lít rượu sắn (mì), 15.000 đồng/lít rượu gạo...

Tại một cửa hàng ăn uống ở Q. Cầu Giấy có bán đủ các loại rượu như vodka men, vodka Hà Nội, táo mèo, mơ, chuối hột, ba kích...

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, trên thực tế chỉ có rượu men và vodka là có nhãn mác.

Còn rượu táo mèo, mơ ngâm đóng chai 500ml không nhãn mác được nhân viên nhà hàng quảng cáo “cứ uống đi, ngon lắm” đều không có xuất xứ. Nhân viên ở đây chỉ nói qua quýt rằng có người ở quê Mỹ Đức, Hà Nội gửi ra bán.

Đến một quán cơm trên đường Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội chúng tôi hỏi mua rượu, nơi đây bán rượu trắng giá 30.000 đồng/lít. Chủ quán thấy khách lo rượu dỏm, không xuất xứ liền phân bua: “Rượu nấu ở quê Nam Định mang lên đấy!”.

Rượu trôi nổi còn được bày bán nhiều ở các chợ. Tại chợ Thanh Liệt, chúng tôi đến một cửa hàng bán đồ khô hỏi mua rượu trắng. Chủ cửa hàng giới thiệu rượu nhà tự nấu rồi mang ra bán, giá chỉ 15.000 đồng/chai 500ml.

Mặc dù không có tem mác, xuất xứ rõ ràng, người bán cứ khẳng định đây là rượu nhà tự nấu, bán lẻ cho người dân nên không có tem mác, cơ sở sản xuất.

Vô tư uống rượu không nhãn mác

Tại các quán bún, phở, hàng ăn vỉa hè, loại rượu này được đóng vào chai nhựa, chai thủy tinh nhỏ chừng 250-300ml để sẵn trên từng bàn ăn. Người dân mua uống nhưng ít khi truy tìm nguồn gốc của nơi sản xuất rượu, thành phần ra sao, có được kiểm định cho lưu hành hay không.

Một chủ sản xuất rượu tại làng Đại Lâm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết rượu được nấu công nghiệp bằng nồi điện khi ra thành phẩm có màu trong vắt, không vẩn đục, vì thế rất khó phân biệt rượu pha từ cồn và rượu nấu truyền thống...

“Loại rượu pha cồn gây độc là do người pha đã mua loại cồn công nghiệp, nhẽ ra chỉ dùng trong sơn màu cho đồ gỗ và một số ngành công nghiệp. Cồn này giá rẻ hơn cồn thực phẩm, loại rượu pha kiểu này gây chết người ở Quảng Ninh và gần đây ở Lai Châu, Hà Nội”- chủ lò rượu cho biết.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng Khoa Tiêu hóa cho hay tại khoa này có nhiều người bệnh sảng rượu, không nhận ra người thân, không định hướng được không gian, thời gian, thường xuyên la hét vật vã, các bác sĩ phải buộc tay chân người bệnh vào thành giường.

Bác sĩ Khanh cũng cho hay số người vào viện vì viêm tụy cấp do rượu, xơ gan, sảng rượu... tăng rất nhiều trong thời gian từ sau Tết Nguyên đán.

Tràn lan rượu “3 không”

Người bán rượu trắng đa số không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Rượu được chứa trong
 bình đựng nước suối và chiết ra bán. Ảnh: Chí Tuệ

Truy tìm nguồn cung rượu độc

Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cơ quan này đang truy tìm nguồn cung cấp rượu pha cồn nguy hại.

“Chúng tôi biết địa chỉ cơ sở bán rượu gây độc, nhưng khi hỏi nguồn cung cấp thì người bán kiên quyết không nói họ mua rượu của ai”- một lãnh đạo chi cục cho biết.

Hiện cơ quan công an cũng đã vào cuộc để tìm nguồn gốc rượu pha cồn đang bán ở thị trường Hà Nội. Nhiều bạn đọc cho rằng nếu quy trách nhiệm cụ thể người bán rượu gây ngộ độc sẽ tìm ra nguồn gốc số rượu độc đang được lưu thông khắp Hà Nội.

Qua khảo sát của chúng tôi, nguồn rượu đang bán ở Hà Nội hay được rao là sản phẩm của các làng nghề, nhưng gần đây hình thức pha từ cồn làm rượu trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên có thể thấy cơ quan chức năng của Hà Nội rất chậm trễ trong truy tìm tận gốc nguồn rượu gây độc và xử lý.

Theo một chuyên gia của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trước đây thống kê trong 2 năm có 30 người ngộ độc methanol vào trung tâm này, tức là 1 tháng mới có 1 ca, còn giờ thì tuần nào, thậm chí ngày nào cũng có.

Cuối tháng 1.2017, có đến 4 người sống ở Hà Nội tử vong do uống rượu có chứa methanol, từ ngày 22.2 đến nay có thêm 1 người tử vong và hàng chục ca ngộ độc với các biểu hiện nhìn mờ, hôn mê... do ngộ độc methanol.

Tuy nhiên đến ngày 3.3, Hà Nội mới bắt đầu kiểm tra chất lượng rượu, tức là từ lúc có hàng loạt người tử vong do rượu độc đến khi bắt đầu kiểm tra đã mất hơn 45 ngày!

Rượu độc tràn lan khắp nơi và đã có cả người nước ngoài bị ngộ độc methanol trong rượu. Nhiều năm trước từng có đề xuất nên cấm bán rượu không nhãn mác, rồi đề xuất ấy không được chấp nhận và nay nhiều người là nạn nhân của rượu độc.

2 tuần, 21 người ngộ độc rượu

Từ ngày 22.2 đến nay, riêng khu vực Hà Nội đã có 21 người ngộ độc methanol vào Trung tâm chống độc, trong đó có 1 người nước ngoài, 1 người tử vong, nhiều ca hôn mê sâu.

Loại rượu độc bán ở Phong Thổ, Lai Châu làm 9 người chết mới đây chứa đến 50% khối lượng là methanol, loại rượu độc vừa phát hiện ở Hà Nội cũng có hàm lượng methanol vượt tới 900-2.000 lần so với mức cho phép.

Nghiêm cấm bán rượu không nhãn mác

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu.

Một trong những giải pháp là Bộ Y tế, Bộ Công thương hoàn thiện các văn bản quy định về quản lý đối với sản phẩm rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc.

Thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng về rượu, kể cả đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công; nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ dưới mọi hình thức.

Kiểm soát chặt chẽ tất cả các cơ sở kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống)...

Nghiên cứu bổ sung chế tài, tăng mức phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu.


LAN ANH - QUỲNH LIÊN (Tuổi trẻ)