Cán bộ tăng cường đi cơ sở: Hiệu quả tích cực

Tin tức - Ngày đăng : 07:09, 16/03/2017

Cán bộ lãnh đạo các cấp đi cơ sở, lắng nghe, trao đổi, giải quyết, xử lý những ý kiến, kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân đã trở nên quen thuộc trên địa bàn toàn tỉnh.



Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ hội
 mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh: Tiến Huy


Công việc thường xuyên

Hằng tuần, theo dõi lịch công tác của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh được công khai trên trang thông tin điện tử Văn phòng UBND tỉnh có thể thấy các cuộc đi kiểm tra tại cơ sở chiếm khá nhiều thời gian. Đơn cử, theo lịch, sáng thứ năm 9.3.2017, các đồng chí: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương đều đi kiểm tra tình hình sản xuất tại cơ sở; đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Đức Sáng kiểm tra tình hình thực hiện một số dự án đầu tư; đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu kiểm tra đôn đốc việc thu hồi 3 ao ở đền Kiếp Bạc.

Đi cơ sở cũng đã trở thành hoạt động thường xuyên của cán bộ các sở, ngành, đoàn thể. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Thị Hà cho biết sở không quy định cán bộ phải đi cơ sở do đây là nhiệm vụ chuyên môn của mỗi cán bộ. Muốn bám nông dân, bám đồng ruộng, hiểu cơ sở, cán bộ nông nghiệp phải tăng cường đi thực tế.

Bí thư Huyện ủy Gia Lộc Phạm Quang Hưởng là người đã từng trực tiếp kiểm tra một dự án sản xuất bị nhân dân kiến nghị gây ô nhiễm môi trường. Ở đây, đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp nắm được nỗi bức xúc của nhân dân, tự mình cảm nhận mức độ ô nhiễm, làm việc với chủ doanh nghiệp và các cơ quan chức năng để tìm biện pháp giải quyết... "Quan trọng nhất là nắm và xử lý tình hình ngay từ ban đầu", đó là bài học từ việc trực tiếp đi cơ sở của đồng chí Bí thư Huyện ủy Gia Lộc. Phát huy bài học này, Huyện ủy Gia Lộc phân công rõ việc và giám sát chặt việc thực hiện chế độ phụ trách của các đồng chí cấp ủy viên. Mỗi cấp ủy viên ở đây phải tham gia sinh hoạt với Đảng ủy và ít nhất với 1 chi ủy thuộc địa bàn, đơn vị phụ trách 1 lần/tháng; thông tin nào phải báo cáo, thông tin nào thuộc thẩm quyền giải quyết, xử lý được quy định rõ; nếu Ban Thường vụ Huyện ủy nắm được thông tin trước cấp ủy viên phụ trách sẽ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân...

Với chế độ làm việc định kỳ hoặc đột xuất, nghe tình hình hoạt động, định hướng công tác... việc tăng cường đi cơ sở của cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh đã góp phần giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc tại các địa phương, cơ quan.

Gắn bó với cơ sở

Thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên quan điểm hướng về cơ sở, nhiều năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy xây dựng quy chế làm việc; phân công các đồng chí ủy viên thường vụ cấp ủy, các đồng chí cấp ủy viên phụ trách các cơ quan, địa bàn, đơn vị trực thuộc. Căn cứ chế độ phân công này, các đồng chí phụ trách có nhiệm vụ trực tiếp tham gia ý kiến với cấp ủy nơi phụ trách về những chủ trương, công tác, vấn đề quan trọng của địa bàn, đơn vị phụ trách; kịp thời nắm và báo cáo tình hình mới phát sinh trên lĩnh vực, địa bàn phụ trách; chủ động phối hợp với lãnh đạo các địa phương, cơ sở để giải quyết các vấn đề có liên quan...



Việc đi cơ sở đối với cán bộ nông nghiệp trở thành việc thường xuyên. Ảnh: Nguyễn Mơ

Bên cạnh kết quả tích cực, hoạt động này cũng tồn tại một số hạn chế, nguyên nhân chủ yếu do năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Việc đi cơ sở, nắm bắt thông tin, tình hình, diễn biến của cơ sở, nhân dân có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Cá biệt vẫn có tình trạng cán bộ, cấp ủy viên phụ trách “ém” thông tin, không báo cáo, không xử lý, giải quyết kịp thời dẫn đến phức tạp tình hình. Có trường hợp cán bộ năng lực còn hạn chế nên chậm phát hiện, đề xuất những vấn đề mới trong việc chỉ đạo, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng sát hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Có đồng chí chưa bao quát được lĩnh vực công tác, chưa tích cực đôn đốc, kiểm tra cấp dưới thực hiện nhiệm vụ.

Việc gắn với cơ sở, tăng cường hoạt động về cơ sở cần tiếp tục được đổi mới theo hướng khắc phục tình trạng “hành chính hóa” trong các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể. Cần chăm lo xây dựng tổ chức, bộ máy tinh gọn, vững mạnh, nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực, có khả năng vận động quần chúng, nhân dân tốt. Đổi mới hoạt động của cấp ủy đảng các cấp theo hướng thực hiện nghiêm quy chế làm việc, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực cấp ủy và trách nhiệm của từng cấp ủy viên. Đặc biệt, quan tâm mối quan hệ công tác giữa cấp ủy cấp trên và các cơ quan cấp trên với cấp ủy cấp dưới, trong đó cần chú trọng chế độ thông tin, báo cáo bảo đảm kịp thời chính xác. Với từng cấp ủy, từng cơ quan, đơn vị, cần siết chặt hơn nữa trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong mối quan hệ với cơ sở, địa phương được phân công phụ trách gắn với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ…

PV