Nông dân méo mặt vì giá cải bắp lao dốc

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:22, 17/03/2017

Hiện nay, nông dân ở một số địa phương trong tỉnh đang méo mặt vì giá bán cải bắp đã xuống mức quá thấp.



Cung vượt quá cầu, nhiều thương lái ở Gia Lộc vẫn thu mua cải bắp cho nông dân để giữ mối làm ăn


Năng suất tăng nhưng vẫn bị lỗ

Cuối tuần trước, nhà anh Vũ Thanh Toản ở đội 8, thôn Tứ Kỳ Thượng, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) thu hoạch hơn 3 sào cải bắp chịu nhiệt. So với đợt thu hoạch lần trước (tháng 10 âm lịch năm Bính Thân), lứa cải bắp đợt này có mẫu mã đẹp hơn, năng suất đạt 2,2 tấn/sào, cao hơn 2 - 3 tạ/sào. Theo anh Toản, từ sau Tết Đinh Dậu đến nay, giá cải bắp liên tục giảm từ 5.000 - 6.000 đồng/kg xuống 2.000 - 2.500 đồng/kg và hiện là 500 - 700 đồng/kg. Trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây chưa bao giờ cải bắp lại giảm giá sâu đến như vậy. “Cũng với diện tích này, hồi tháng 10 năm ngoái gia đình tôi thu lãi 5 triệu đồng/sào cải bắp. Đợt này năng suất dù cao hơn nhưng sau khi trừ chi phí mỗi sào lại bị lỗ khoảng 1 triệu đồng”, anh Toản nói.

Cánh đồng thôn Đại Tỉnh, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) những ngày này cũng có nhiều ruộng cải bắp đang cho thu hoạch. Nông dân ở đây cho biết hiện thương lái đang thu mua cải bắp tại ruộng với giá 500 - 700 đồng/kg hoặc mua “vo” cả ruộng 1,3 - 1,5 triệu đồng/sào. Bà Nguyễn Thị Sáu trồng 6 sào cải bắp giống mới của Nhật Bản. Mỗi sào bà phải đầu tư khoảng 2,2 triệu đồng, gồm 700.000 đồng tiền giống, khoảng 1,5 triệu đồng tiền mua phân bón và thuốc trừ sâu. Cả vụ cải bắp từ lúc trồng đến khi thu hoạch mất 3 tháng, không chỉ làm không công mà bà còn phải bù lỗ mỗi sào từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Thu mua để giữ mối làm ăn

Giá cải bắp từ sau Tết Đinh Dậu đến nay giảm sâu là do cung vượt quá cầu. Một số thương lái cho biết hầu hết cải bắp Hải Dương và các tỉnh phía Bắc chủ yếu được tiêu thụ trong 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức và Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Cuối năm ngoái, mỗi chuyến xe chở cải bắp hoặc rau xanh ở ngoài này chuyển vào trong đó chỉ mất 1 - 2 ngày là tiêu thụ hết. Từ sau Tết đến nay, thường phải mất cả tuần mới bán hết 1 xe. Ông Long, một thương lái trong TP Hồ Chí Minh thu mua cải bắp ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) cho biết: “Vụ này, nông dân các tỉnh Đăk Nông, Long An, Lâm Đồng cũng trồng nhiều cải bắp. Sau khi thu hoạch, họ cũng chủ yếu đưa về chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Chuyến này do đã đặt hàng từ tháng trước nên tôi mới phải ra đây lấy để giữ mối làm ăn với bạn hàng”.

Giá bán cải bắp đang ở mức quá thấp không chỉ khiến nông dân thua lỗ nặng mà ngay cả những thương lái cũng chịu cảnh tương tự. Theo ông Nguyễn Văn Huynh, một thương lái ở xã Hoàng Diệu, nếu mua cải bắp theo kg thì mỗi sào trừ đi số gốc bị thải loại bà con chỉ thu được khoảng 800.000 - 900.000 đồng. Để nông dân bớt phần thiệt thòi, ông và một số thương lái đã thống nhất mua vo 1,3 - 1,5 triệu đồng/sào. Với mỗi sào cải bắp mua vo, sau khi trừ tiền mua vỏ bao, thuê người bốc vác và nuôi họ ăn cả ngày, các lái buôn lỗ ít nhất 200.000 đồng. “Biết vậy nhưng chúng tôi vẫn cứ bảo nhau làm vì trước đây rau được giá bán cao, anh em ai cũng có lãi. Nay không may giá rau sụt giảm, nông dân thua lỗ nặng nên anh em bảo nhau chia sẻ một phần gánh nặng cho bà con và mong muốn họ sẽ tiếp tục gắn bó với ruộng đồng để chúng tôi còn có việc làm”, ông Huynh nói.

Anh Nguyễn Viết Toán, một thương lái ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) cho biết với mức giá hiện nay anh chỉ phải bỏ ra 17 triệu đồng để mua đầy một xe chở container cải bắp. Số cải bắp này đưa vào trong TP Hồ Chí Minh nếu thời điểm trước Tết sẽ bán được khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn lãi kha khá. Nhưng hiện nếu có bán hết hàng cũng chỉ thu về 60 triệu đồng, trừ đi 17 triệu tiền hàng, 24 triệu đồng tiền thuê xe, 3,5 triệu đồng tiền thuê người bốc vác cộng với các chi phí khác… thì chỉ được khoảng 4 triệu đồng.

Thêm một lần nữa, giá nông sản nói chung, cải bắp nói riêng lại rơi vào vòng xoáy “cung vượt cầu” và nông dân là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

PV