Tiếc nuối "Tiếng làng"

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 08:25, 20/03/2017

Đàm Chu Văn là một nhà thơ tài hoa được bạn đọc cả nước biết đến với những giải thưởng lớn như Giải thưởng Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1996, 2003), giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Trịnh Hoài Đức (của tỉnh Đồng Nai)... Nhưng với tôi, ấn tượng hơn cả là bài "Tiếng làng".

Tiếng làng


Làng anh kề với làng em
Ngày xuân sới vật rộn trên sân đình
Gái làng đây đấy đều xinh
Sao anh chỉ nhớ có mình em thôi
Trúc xinh trúc mọc bên người
Người xinh bên trúc, nét cười bên hoa
Làng ta ở tự lòng ta
Tầng cao mái thấp cũng là làng thôi
Nắng sương dầu dãi kiếp người
Vẫn lanh lảnh tiếng xuân tươi hội làng
Dẫu phai bao nét cũ càng
Sông trôi còn nỗi mang mang đôi bờ
Hồn ta ruộng lúa bờ ngô
Tình ta reo nước tràn bờ sớm mai
Qua rồi thấp thỏm sắn khoai
Cơm thơm mái ấm xóm ngoài làng trong
Câu ca men lối đi vòng
Qua cây cậy vịn cây hồng mà thương...
Làng giờ cửa chớp nhà gương
Người xa lạc mấy bước đường nên xa
Về làng hỏi dáng cây đa
Bỗng nghe kẽo kẹt vó bè, buồn tênh!
Cánh buồm về với mông mênh
Người thương xa khuất bóng hình năm xưa...
Tre măng đã vượt mấy mùa
Lơ mơ chợt tỉnh giấc trưa. Tiếng làng.


ĐÀM CHU VĂN


Mở đầu bài thơ, tác giả đã mở ra trước mắt người đọc một khung cảnh hội làng mùa xuân như bao làng quê yên bình khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sới vật đông vui, rộn ràng thu hút bao người già trẻ, trai gái nô nức đến xem và cổ vũ:

Làng anh kề với làng em
Ngày xuân sới vật rộn trên sân đình


Những ngày đầu xuân ở thôn quê, người ta thường tổ chức những cuộc vui như thi chọi gà, đánh đu hay thi đấu vật. Với hội thi đấu vật, ngoài mang tính giải trí, vui chơi nó còn là một môn thể thao hữu ích giúp thanh niên trong làng có thêm nghị lực và lòng dũng cảm để giữ làng, giữ nước. Thế nhưng sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như hội làng không là cái cớ để các đôi thanh nam nữ tú gặp nhau, tìm đến với nhau, trao nhau những ánh mắt hẹn hò tình tứ. Đất trời mùa xuân như ông tơ bà nguyệt giăng tơ cho lòng người, gợi trong lòng chàng trai những rung cảm hết sức nhẹ nhàng mà sâu kín:

Gái làng đây đấy đều xinh
Sao anh chỉ nhớ có mình em thôi

Vậy là đã rõ rồi, trong số các cô thôn nữ duyên dáng, tươi xinh kia, chàng trai đã để mắt tới một cô gái và lòng chàng chỉ hướng về người con gái ấy thôi. Ấy là khi chàng đã biết yêu, đã có “tình xuân” vừa mới chớm nở trong lòng.

Tôi đã đọc thơ của Đàm Chu Văn tuy chưa nhiều song cũng đủ để có thể cảm nhận trong anh luôn ẩn chứa một hồn quê mộc mạc, đằm thắm nhưng hết sức tinh tế và sâu sắc. Ở bài này, bạn đọc có thể thấy rõ được điều đó qua tâm hồn rộng mở, qua những câu thơ hồn hậu, dung dị và một trái tim nhạy cảm, vời vợi một tình yêu quê hương với những gì gắn bó, thân thương nhất:

Hồn ta ruộng lúa bờ ngô
Tình ta reo nước tràn bờ sớm mai


Nói đến làng quê Việt Nam, hẳn trong tâm thức của mỗi người lại nghĩ đến hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Với tác giả Đàm Chu Văn cũng vậy, dường như cây đa đã đằm sâu trong tâm trí anh, nhắc nhớ trong anh những kỷ niệm ấm áp, thân thương với làng quê, với những người yêu dấu. Nhưng ấy là những kỷ niệm xa xưa, đã đi vào quá vãng. Còn nay, về thăm quê tác giả đã thấy những gì:

Làng giờ cửa chớp nhà gương
Người xa lạc mấy bước đường nên xa


Trước sự đổi thay của quê hương, tác giả có cảm giác bùi ngùi, nuối tiếc khi làng quê đang trong quá trình đô thị hóa:

Về làng hỏi dáng cây đa
Bỗng nghe kẽo kẹt vó bè, buồn tênh!


Từ “buồn tênh” được đặt ở vị trí cuối câu tạo sự hẫng hụt, chơi vơi. Có buồn đấy nhưng nghe chăng tác giả đã tự an ủi lòng mình rằng:

Làng ta ở tự lòng ta
Tầng cao mái thấp cũng là làng thôi


Ngay từ tên tiêu đề bài thơ “Tiếng làng”, hai tiếng ấy đã gợi trong lòng người đọc xiết bao xúc động, vừa đặt ra một câu hỏi gợi mở lại có đôi chút nuối tiếc của tác giả khi phải đánh đổi một nông thôn chan hòa với thiên nhiên để lấy một làng quê nửa phố nửa làng, làm vơi đi bao hồn cốt của văn hóa làng, cái hồn cốt đã thăng hoa trong cảm thức thẩm mỹ dân tộc. Ta bắt gặp ở đây một tâm hồn khá nhạy cảm trước đổi thay của làng quê và ta cũng thấy được một nỗi niềm đau đáu luôn hướng về quê hương, nặng lòng với nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả, một người đã vì cuộc mưu sinh, vì sự nghiệp mà phải xa quê.

Với thể thơ lục bát, một thể thơ dễ đọc, dễ thuộc, dể hiểu và dễ cảm, bài thơ đem đến cho người đọc nhiều niềm xúc cảm với hồn quê nồng ấm, tình quê chân chất nhưng cũng dạt dào yêu thương của tác giả. Đọc xong bài thơ, người đọc như vẫn còn cảm nhận được dư âm của “tiếng làng” vẫn còn vương vất đâu đây.

THẢO NGUYÊN