Vi phạm hợp đồng lao động: Người lao động chịu thiệt

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:07, 22/03/2017

Nhiều chủ doanh nghiệp tìm cách không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng ngắn hạn với người lao động để không phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc, phí công đoàn... cho họ.



Nhiều lao động phổ thông, lao động thời vụ làm việc trong các công ty tư nhân có quy mô nhỏ không
 được tham gia ký kết hợp đồng lao động (ảnh chỉ có tính minh họa)


Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Mặc dù việc ký kết và thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) được pháp luật quy định cụ thể nhưng một số người sử dụng lao động vẫn phớt lờ để trục lợi.

Trái luật

Điều 18 Bộ luật Lao động quy định trước khi nhận NLĐ vào làm việc, người sử dụng lao động và NLĐ phải trực tiếp giao kết HĐLĐ. Tùy vào tính chất công việc, thời gian thuê lao động, hình thức ký kết các bản HĐLĐ sẽ được thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, không phải NLĐ nào cũng được chủ sử dụng thực hiện đúng các quy định về HĐLĐ.

Chị Nguyễn Thị Hương quê ở Chí Linh đang làm cho một công ty may tư nhân tại TP Hải Dương. Chị Hương cho biết cách đây mấy năm, sau khi nộp hồ sơ, chị được công ty tuyển dụng vào làm. Từ đó đến nay, chưa bao giờ chị được cán bộ công ty nhắc nhở về việc ký HĐLĐ. Không chỉ có chị Hương mà nhiều người cùng làm với chị cũng không được ký HĐLĐ với công ty.

Cách đây gần 1 năm, hơn 100 lao động tại một công ty TNHH ở đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) phản ánh họ không được ký kết HĐLĐ dù đã vào làm việc chính thức với thời gian liên tục từ 12 tháng trở lên. Lãnh đạo công ty trả lời rằng do công ty mới thành lập nên chưa có cán bộ nhân sự để làm các thủ tục cần thiết.

Ở những doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, sử dụng ít lao động, việc giới chủ không ký HĐLĐ càng nhiều. Nguyên nhân do NLĐ vào làm việc có mối quan hệ quen biết với chủ sử dụng nên chỉ giao kết bằng lời nói. Đồng thời, chủ sử dụng lao động cũng lo ngại NLĐ không gắn bó lâu dài nên không ký kết để tránh các phiền toái khi thanh lý HĐLĐ. Điển hình trong trường hợp này là anh Nguyễn Văn Hào (xã Quảng Nghiệp, Tứ Kỳ). Anh Hào đang làm cho một doanh nghiệp tư nhân. Do có mối quan hệ từ trước với lãnh đạo doanh nghiệp nên anh vào làm việc mà không ký kết HĐLĐ.

Dù đã được ký kết HĐLĐ nhưng vẫn có NLĐ phản ánh bị chủ sử dụng vi phạm các điều khoản theo quy định, nhất là việc điều chuyển sang vị trí làm việc khác so với nội dung đã ký theo hướng bất lợi cho họ. Anh Lê Văn Bền ở thị trấn Cẩm Giàng cho biết tháng 11.2016 anh ký HĐLĐ  thời hạn 1 năm với một công ty có vốn đầu tư của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương). HĐLĐ ghi rõ anh Bền vào làm với chức vụ phó trưởng phòng sản xuất. Cách đây chưa đầy 1 tháng, cán bộ quản lý công ty yêu cầu anh Bền làm công việc khác mà không hề có lý do chính đáng và cũng không thông báo trước theo quy định. Mới đây, một nhóm công nhân đang làm việc tại một công ty do nước ngoài đầu tư tại phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cho biết họ bị công ty điều chuyển từ vị trí thợ điện sang làm thợ may, trái với nội dung ký kết trong HĐLĐ.

Không được đóng bảo hiểm



Hầu hết những vi phạm về hợp đồng lao động của chủ sử dụng đều làm cho người lao động mất đi các quyền lợi chính đáng


HĐLĐ là cơ sở, căn cứ pháp lý để chủ sử dụng lao động đóng các loại bảo hiểm bắt buộc đối với NLĐ. Hiện số tiền mà doanh nghiệp phải đóng cho NLĐ tương đương 22% mức lương NLĐ được hưởng với điều kiện tiền lương trả cho NLĐ phải bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đóng thêm 2% phí công đoàn cho NLĐ. Chính vì các khoản chi này mà nhiều doanh nghiệp đã tìm cách không ký HĐLĐ với NLĐ. Theo chị Hương, vì không có HĐLĐ nên chị và nhiều đồng nghiệp khác không được tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định. Để đối phó với cơ quan chức năng, khi có đoàn thanh tra, kiểm tra thì doanh nghiệp cho những lao động không ký HĐLĐ như chị Hương nghỉ ở nhà.

Đối với trường hợp của anh Bền, mục đích doanh nghiệp điều chuyển công việc trái quy định trong HĐLĐ thực chất là muốn ép anh nghỉ việc. Khi quan hệ lao động ngày càng xấu đi, anh Bền đành phải viết đơn xin nghỉ việc. Trong trường hợp NLĐ "tự nguyện" xin nghỉ như vậy thì doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm đền bù trước pháp luật.

Chị Nguyễn Thị Thu Xuân ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cho biết doanh nghiệp nơi chị làm chỉ ký hợp đồng ngắn hạn với chị. Vì là HĐLĐ ngắn hạn nên chủ sử dụng cũng không quan tâm đến việc đóng bảo hiểm kịp thời cho chị. Đến nay dù đã sinh con gần 1 năm nhưng chị vẫn chưa được thanh toán tiền thai sản dù trên thực tế chị đã trích nộp bảo hiểm đầy đủ phần trăm theo lương…

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng cần quan tâm nâng cao kiến thức cho NLĐ để họ biết tự bảo vệ mình khi chủ sử dụng vi phạm HĐLĐ; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

PV