Độc đáo tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Những góc khuất

Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 13:34, 26/03/2017

Là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian gắn nhiều với yếu tố tâm linh nên việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở nhiều nơi đã bị lợi dụng, biến tướng thành mê tín dị đoan.






Tung tiền trong hầu đồng gây phản cảm

Tung tiền phát lộc

Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều chỉ thị, công văn chỉ đạo về việc hạn chế đốt vàng mã gây tốn kém, lãng phí, chỉ sử dụng tiền mệnh giá nhỏ để phát lộc khi diễn xướng hầu Thánh. Tuy nhiên, tại nhiều buổi hầu đồng, tình trạng đốt nhiều đồ mã gây lãng phí và tung tiền phát lộc vẫn diễn ra khá phổ biến.

Có mặt tại một buổi hầu đồng tại đền thờ danh tướng Trần Khánh Dư ở thôn Ninh Giàng, xã Cổ Thành (Chí Linh), chúng tôi thấy xung quanh khu vực hầu la liệt những hình nhân, ngựa, mũ mão cân đai kích thước to như thật. Chỉ tính riêng mỗi hình nhân hay con ngựa cũng có giá vài trăm đến vài triệu đồng.
Người làm chủ buổi hầu hôm nay là cô đồng Hậu. Buổi hầu đồng thu hút rất đông người dân địa phương đến xem, đông nhất là những người già. Giữa lời hát và tiếng đàn sáo rộn ràng của các cung văn, cô đồng Hậu với sự giúp sức của 2 phụ đồng hóa vai lúc là ông Hoàng Mười, lúc là cô Đệ Nhất, cô Đệ Nhị, lúc là chúa Bắc Lệ… Mỗi một giá đồng, sau khi nhảy múa, cô đồng Hậu lại mở tráp thưởng tiền lộc cho các phụ đồng và những người xung quanh. Một người cao tuổi thôn Ninh Giàng cho biết hầu đồng ở đền thờ tướng Trần Khánh Dư đã có từ nhiều năm nay. Mỗi lần hầu, nhân dân địa phương tới xem rất đông. Buổi hầu của cô đồng Hậu được tổ chức từ sáng, kết thúc vào khoảng 6 giờ tối. Mỗi khi vào giá các quan, cô đồng đều thưởng hoặc tung tiền cho người xem. Chúng tôi thấy toàn bộ ngựa, voi, hình nhân được những người thuộc cơ cánh của cô đồng Hậu mang đốt tại khu đất trước cửa đền. Chẳng biết sau khi đốt, các thần thánh có nhận được số ngựa, voi, hình nhân kia không nhưng chỉ chốc lát nhiều triệu đồng đã thành tro bụi.

Ngoài việc thưởng thức tính nghệ thuật của các màn trình diễn, nhiều người say mê, thích thú với các buổi hầu đồng bởi niềm tin được Thánh ban lộc sẽ có thêm nhiều tiền của. Có mặt tại nhà Mẫu tại chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh), chúng tôi gặp một cơ cánh đang thực hiện một buổi hầu đồng. Đồng cô là một phụ nữ chừng 50 tuổi với 4 phụ đồng bên cạnh để giúp thay áo quần mỗi khi đổi giá. Mỗi lần đổi giá, cô đồng này lại cầm nén hương với một xấp tiền múa may rồi phát hoặc ném tiền lộc cho những người ngồi hầu xung quanh. Có người được cho 20.000 đồng, 10.000 đồng, nhưng có người được cô đồng ưu ái cho 50.000 đồng, 100.000 đồng. Chỉ ngồi hai giá cô Bé và cô Bơ tôi cũng nhận được tổng cộng 30.000 đồng tiền "lộc". Nếu người xem chú ý quan sát sẽ thấy việc tung tiền phát lộc của các thanh đồng không phải ngẫu nhiên. Những người xem vãng lai thường chỉ được tiền mệnh giá nhỏ, còn những tiền mệnh giá lớn từ 50.000 - 500.000 đồng thường chỉ được tung về chỗ những người quen thân với người mở giá hầu, những người họ cần ưu ái, lấy lòng. Việc phát "lộc" trở thành hình thức lôi kéo người xem và "hối lộ" cho một số người.

Chi phí để tổ chức một giá hầu đồng tuỳ thuộc vào khả năng của người đứng ra tổ chức nhưng thường khá tốn kém bởi đa phần những người có kinh tế vững mới nghĩ đến chuyện theo hầu đồng. Những vật phẩm mua sắm phục vụ cho buổi hầu như đồ lễ, hình nhân, vàng mã, tiền lộc cho người ngồi xem rồi tiền đi lại, công cho cô đồng, đồng phụ... nhiều khi lên tới hàng chục triệu đồng, thậm chí lên tới cả trăm triệu đồng. Một thanh đồng tiết lộ rằng mỗi giá hầu, riêng số tiền tung ra ít nhất cũng phải 5-7 triệu đồng, tổng cộng thường khoảng vài chục triệu đồng, có những giá hầu do người giàu tổ chức thì số tiền lên tới cả tỷ đồng. Bên cạnh sự lãng phí tiền bạc, nhiều người đã lợi dụng khi thăng đồng để làm những động tác như xiên lình (xiên dùi nhọn qua má), lên đai (quấn dải lụa thắt quanh cổ, bụng) để thể hiện quyền năng huyền bí… khiến một bộ phận quần chúng ấu trĩ, mê muội tin theo.

"Cấp phép" mở điện, phủ


Ở tỉnh ta có một địa chỉ nổi tiếng trong giới hầu đồng cả nước là phủ "mẫu The" ở thôn Vũ Xá, phường Ái Quốc (TP Hải Dương). Phủ "mẫu The" có tòa tháp cao chừng 20 tầng cùng hàng chục điện, phủ. Đến đây, ai cũng phải choáng ngợp với các công trình được xây dựng cầu kỳ, lòe loẹt, từ phủ Công Đồng, phủ Thiên Dương, thượng tòa Tiên Thánh, Công Đồng Tam thiên giáo đến chúa Động Vàng, điện Cô Chín... Lúc chúng tôi có mặt, tại điện chính, "mẫu The" (tức bà Đoàn Thị The) đang lên đồng phán truyền và "trị bệnh" âm cho một số người mà các đệ tử cho biết là người nhà nên mẫu mới "chiếu cố" bởi hôm nay không phải ngày "làm việc". Tự xưng là "mẫu Âu Cơ giáng thế", bà The được rất nhiều người tin tưởng tới xin giá đồng và nghe phán truyền. Việc phán truyền chữa bệnh chỉ dựa vào tâm linh như vậy có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho những người mê muội tin theo.

Không chỉ thực hành những hành vi mê tín dị đoan đã bị cấm như tung tiền, phán truyền... nguy hiểm hơn, phủ mẫu The còn là nơi đã và đang nhân rộng những điện, phủ tư nhân mang màu sắc tương tự ở nhiều nơi. Một đồng cô tên Lan ở TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, "mẫu" The vừa mở khóa lễ lớn để ban phép cho các đồng cô, đồng cậu các nơi về xin mở điện, mở phủ. Theo cô đồng này, khóa lễ ngày hôm qua có tới mấy trăm đồng cô, đồng cậu tìm về. Mỗi người xin "mẫu" làm phép mở điện, mở phủ sẽ đóng vào 1,4 triệu đồng giống như phí xin "cấp phép". Là người cũng từng xin mở phủ tại đây, hằng năm chị Lan lại về "mẫu" tạ ơn. Mỗi lần về như thế chị ta lại được "mẫu" ban cho mấy giá đồng. Mở cho tôi danh sách những người đăng ký mở phủ ghi trong tờ giấy, chị ta khoe năm nào cũng dẫn các con nhang, đệ tử, những người có "căn quả" muốn mở điện, mở phủ về "mẫu" để xin. Trong khóa lễ năm nay, chị dẫn được 11 người về xin "mẫu". Sau khi xong khóa lễ hôm qua, mọi người đã về hết nhưng chị còn nán lại mấy hôm để hầu "mẫu". Như vậy, mỗi lần mở khóa lễ, chỉ riêng tiền "cấp phép", bà Đoàn Thị The đã thu về hàng trăm triệu đồng. Và từ đây, những điện, những phủ với những buổi hầu đồng đậm màu sắc mê tín dị đoan lại lan đi khắp nơi.

Chính những góc khuất mang màu sắc tiêu cực đã khiến việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bị kỳ thị trong thời gian khá dài. Hiện nay, những giá trị của loại hình văn hóa phi vật thể này đã được UNESCO công nhận. Song để bảo tồn, giữ gìn, phát huy những mặt tốt đẹp của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thì cần xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường tuyên truyền để thay đổi nhận thức của nhiều người còn mê muội.

NGỌC VIỆT



Các buổi hầu đồng hấp dẫn người xem bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất là các lời hát do cung văn biểu diễn rất hay, lôi cuốn người nghe. Thứ hai là các thanh đồng trình diễn, nhảy múa rất đẹp mắt trên sân khấu chỉ rộng bằng cái chiếu. Thứ ba nữa là mọi người thích đi xem vì được phát lộc. Đi xem một buổi hầu đồng giống như đi xem biểu diễn văn nghệ không những không mất vé, lại được lộc mang về. Tôi đi xem một số buổi hầu đồng ở các nơi thì thấy có những thanh đồng trình diễn từ cái tâm của mình, nhưng cũng có người thực hiện giống như một hoạt động kinh doanh. Có nhiều người làm ăn buôn bán tin vào việc kêu cầu thông qua hầu đồng nên họ bỏ nhiều tiền để theo một thanh đồng nào đó, rất mất thời gian, biến một tín ngưỡng truyền thống thành một dạng mê tín dị đoan.

TRẦN PHƯƠNG HẠNH(Phường Bình Hàn, TP Hải Dương)