Làng nghề xuất khẩu... thụ động
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:30, 27/03/2017
Xuất khẩu là kênh giúp nhiều làng nghề trong tỉnh tiêu thụ sản phẩm và nâng cao giá trị sản xuất. Song để chiếm lĩnh thị trường ngoài nước các làng nghề của tỉnh cần tiếp tục đổi mới.
Vì mẫu mã chưa đa dạng nên sản phẩm tranh thêu Xuân Nẻo khó mở rộng thị trường xuất khẩu
Phải qua trung gian
Nhiều người gọi làng nghề cơ khí Tráng Liệt (Bình Giang) là công xưởng máy móc của tỉnh. Gần chục năm qua, sản phẩm cơ khí của Tráng Liệt đã được người dân từ Bắc đến Nam biết tiếng. Sản phẩm của làng nay lại được xuất khẩu đi nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á nên hoạt động sản xuất ở đây ngày càng sầm uất. Dẫu vậy, ông Quách Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt vẫn chưa vui. Ông Hưng cho biết: "Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cơ khí của làng vẫn chưa vượt quá 20%. Hiện nay, các cơ sở cơ khí của Tráng Liệt chưa xuất khẩu được trực tiếp mà vẫn phải qua một doanh nghiệp trung gian. Do đó lợi nhuận thu được chưa nhiều”. Nguyên nhân bởi phần lớn các hộ sản xuất vẫn thụ động, chưa mạnh dạn đầu tư cho xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại nước ngoài nên gần như không có cơ hội xuất khẩu trực tiếp. “Một cơ sở sản xuất cơ khí có tầm như nhà Thuận-Thời cũng mới chỉ làm gia công, lắp ráp cho một nhà máy cơ khí khác ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) thì chúng tôi làm sao xuất khẩu trực tiếp được”, anh Nguyễn Văn Lợi, chủ xưởng cơ khí Hoa Lợi nói.
|
Không chỉ Tráng Liệt, đa phần các làng nghề của Hải Dương vẫn đang loay hoay tìm đường xuất khẩu sản phẩm. Khoảng đầu năm 2000, một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hải Dương đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản. Nhưng mấy năm gần đây, nhiều sản phẩm đã không còn được ưa chuộng ở các thị trường này. Theo bà Phạm Thị Hòa, chủ cơ sở thêu ren Hòa Nhượng ở làng nghề Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) thì mẫu mã đơn điệu đang là điểm yếu khiến sản phẩm của các làng nghề ở Hải Dương thua thiệt và mất dần thị trường xuất khẩu. Bà Hòa cho biết: “Thợ thêu ren của làng nghề Xuân Nẻo có tay nghề cao, kỹ nghệ tốt nhưng mẫu mã sản phẩm lại trùng lặp. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tìm đến một số cơ sở ở Xuân Nẻo ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Sau khi đánh giá sản phẩm họ chỉ duyệt được vài mẫu. Họ đề nghị thiết kế thêm mẫu mới để ký hợp đồng nhưng chúng tôi chưa làm được”. Theo bà Hòa, hầu hết các làng nghề trong tỉnh hiện nay đều làm sản phẩm theo mẫu cũ, đời trước truyền cho đời sau, ít thay đổi theo nhu cầu của thị trường. Vì vậy mẫu mã sản phẩm còn nghèo nàn.
Theo khảo sát mới nhất của Sở Công thương, đến nay toàn tỉnh mới có 10% số làng nghề có sản phẩm xuất khẩu. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng các làng nghề của tỉnh. Ông Mạc Văn Phương, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho biết các làng nghề mất cơ hội xuất khẩu sản phẩm là do khả năng tiếp cận thị trường còn chậm, thiếu chủ động. “Khi Sở Công thương mời gọi cơ sở sản xuất ở các làng nghề tham gia hội chợ hay các hoạt động xúc tiến thương mại thì họ đều từ chối. Như vậy làm sao tiếp cận được đối tác để xuất khẩu trực tiếp sản phẩm”, ông Phương cho biết.
Làm cái thị trường cần
Thiếu vốn là nguyên nhân khiến nhiều làng nghề không thể cải tiến mẫu mã sản phẩm
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu khẳng định: "Các làng nghề cần nâng cao khả năng tiếp thị sản phẩm của mình ra thị trường thế giới. Đừng ngồi đợi họ đến đặt hàng mà cần chủ động nghiên cứu thị trường, tự thiết kế sản phẩm và đem mẫu đó đi chào hàng".
Tại hội nghị bàn các giải pháp xuất khẩu sản phẩm làng nghề do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức đầu tháng 3 vừa qua, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã lấy ví dụ về sự thay đổi của làng nghề gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) trong việc chinh phục thị trường xuất khẩu. Làng nghề Đồng Kỵ đã lập hẳn một trung tâm thiết kế mẫu mã sản phẩm, đồng thời có một tổ chức riêng đảm nhiệm việc xúc tiến thương mại, tìm cơ hội xuất khẩu sản phẩm. Do đó các cơ sở sản xuất của làng đều thay đổi tư duy, chủ động sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Theo ông Dần, cách làm này hoàn toàn có thể áp dụng cho các làng nghề mộc ở Hải Dương, nhất là làng nghề mộc Đông Giao nổi tiếng.
Nếu như trước đây làng nghề chỉ phụ thuộc vào một vài thị trường cố định thì nay phải nghiên cứu lại cơ cấu các mặt hàng. Ông Vũ Xuân Thép, Chủ Doanh nghiệp tư nhân Mỹ nghệ Xuân Thép ở làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) nhận định để làm được như ở Đồng Kỵ không phải dễ với nhiều làng nghề của Hải Dương. “Các cơ sở làng nghề lúc nào cũng đói nguồn vốn để đầu tư máy móc, mua nguyên vật liệu thì lấy đâu ra sức để chiêu mộ hay tuyển dụng đội ngũ thiết kế”, ông Thép băn khoăn. Do vậy, nhiều hộ sản xuất ở làng nghề trong tỉnh đề xuất các cơ quan chức năng của tỉnh có giải pháp hỗ trợ vốn vay hoặc tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp ở làng nghề tham gia xúc tiến thương mại ở ngoài nước để họ tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm.
HẢI MINH