Người già muốn ly hôn, có cần giải quyết tại tòa?
Phản hồi - Ngày đăng : 06:53, 29/03/2017
Cả hai chúng tôi đều cao tuổi, lại không đăng ký kết hôn. Chúng tôi có phải ra tòa giải quyết việc ly hôn không?
Hỏi: Vợ chồng tôi lấy nhau đã hơn 32 năm, nhưng không đăng ký kết hôn. Đến nay, do mâu thuẫn nên tôi muốn ly hôn. Tuy nhiên, cả hai chúng tôi đều cao tuổi, lại không đăng ký kết hôn. Chúng tôi có phải ra tòa giải quyết việc ly hôn không?
NGUYỄN TR. (Nam Sách)
Trả lời: Theo khoản 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 3.1.2001 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9.6.2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: "Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3.1.1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung.
Cần chú ý, trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp của ông, vợ chồng chung sống với nhau từ trước năm 1985 mà không có giấy đăng ký kết hôn, theo hướng dẫn tại khoản 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP và quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, ông vẫn có quyền yêu cầu ly hôn.
Tóm lại, trường hợp của vợ chồng ông chung sống với nhau từ trước năm 1985 nhưng không có giấy đăng ký kết hôn thì tòa án vẫn công nhận hai ông bà là vợ chồng và giải quyết ly hôn theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 khi có yêu cầu ly hôn.