3 vị tướng thời Hùng Vương ở đất Đường An

Danh nhân - Ngày đăng : 11:00, 09/04/2017

Đó là 3 anh em ruột họ Phan ở Cao Xá đã có công giúp Vua Hùng đánh giặc Ân cứu nước. Câu chuyện của các bậc tiền nhân đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.



Đình Cao Xá thờ 3 vị tướng họ Phan được xếp hạng di tích quốc gia năm 1994. Ảnh: PV

Dốc lòng giúp nước

Chỉ là huyền sử song về thôn Cao Xá, xã Thái Hòa (Bình Giang), chúng tôi được người dân trong thôn kể cho nghe chuyện về các vị thành hoàng của làng với lòng tự hào. Dẫn chúng tôi thăm ngôi đình Cao Xá với kiến trúc cổ kính, ông Hà Văn Túc (79 tuổi), người đã có 8 năm trông coi di tích cho biết: Theo ngọc phả đình Cao Xá, dưới triều Vua Hùng Vương thứ 6, có gia đình ông Phan Tiệp cùng vợ là Nguyễn Thị Phúc đến sinh sống tại chùa thôn Cao Xá. Ông bà là người đức độ, nhân từ, có lòng thương người, mến khách. Vốn biết nghề thuốc nên mỗi khi trong vùng có người đau ốm, ông bà đều ra tay cứu giúp. Cùng với chữa bệnh, mỗi khi gặp người khó khăn, hoạn nạn, ông bà đều tương trợ. Đức độ của ông bà vì thế mà lan truyền khắp vùng, nhân dân vô cùng biết ơn và kính trọng.

Thời gian lưu lại Cao Xá, vợ chồng ông bà sinh được 3 người con trai, đặt tên là Phan Chí, Phan Khí và Phan Minh. Lúc lớn lên ông bà cho 3 con theo học Ngô Tiên Sinh ở làng Nhữ Thị. 3 cậu bé thông minh hơn người lại học hành chăm chỉ, tôn sư trọng đạo nên rất được thầy yêu, bạn mến. Thời gian trôi đi, 3 anh em đã trở thành những chàng trai tinh thông văn võ nổi tiếng khắp vùng.

Khi đó, đất nước có giặc Ân xâm lăng, Vua Hùng Vương liền sai sứ giả đi khắp thiên hạ kén chọn người tài ra giúp nước đánh giặc. Theo sử chép, nước Văn Lang đến thời Hùng Vương thứ 6 gặp nhiều tai biến, dân tình cực khổ vô cùng. Hùm beo hợp thành đàn về bắt người, phá của ở các bộ: Phong Châu, Phúc Lộc, Chu Diên, Tân Hưng, Vũ Ninh, Vũ Định. Trong khi đó ngoài biên ải, giặc Ân xâm chiếm bờ cõi, nhăm nhe thôn tính nước ta. Trước những tai họa lớn dồn dập, Vua Hùng họp triều thần tại thành Phong Châu bàn kế cứu dân, cứu nước. Cả nước dấy lên một không khí giết giặc lập công dâng lên Vua Hùng. Sách “Thiên nam ngữ lục” cho biết: giặc Ân đông như kiến, quân đến chục vạn, tướng đến gần nghìn. Theo “Lĩnh Nam chích quái” thì giặc Ân đóng đồn chi chít dọc sông Vũ Ninh (tức sông từ Lục Đầu đến ngã ba Xà) và dọc sông Sóc Giang (tức sông Cà Lồ và sông Công). Chúng lại chiếm giữ địa thế cao của các núi Trâu Sơn, Phả Lại, Thất Diệu... Đi đến đâu chúng cũng tìm cách cướp bóc của cải, giết hại dân lành. Trước vận nước lâm nguy, 3 anh em họ Phan từ biệt mẹ cha, làng xóm lên đường ra trận. Với võ nghệ hơn người, 3 anh em họ Phan chiến đấu dũng cảm, tả xung hữu đột, lập nhiều công trạng, được nhà vua phong tướng và trọng thưởng. Ba ông đã cùng các tướng lĩnh của Vua Hùng đánh nhiều trận oanh liệt vào đại bản doanh của thái tử Ân và Thạch Linh thần tướng, chém nhiều tướng giặc, đẩy lùi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Trong một trận kịch chiến, hai vị tướng Phan Chí và Phan Khí lọt vào vòng vây của giặc và hy sinh. Vừa mang thù nhà vừa mang nợ nước, tướng quân Phan Minh dốc tâm diệt giặc lập thêm nhiều công lớn. Giặc Ân thua chạy, tướng quân Phan Minh được vua trọng thưởng song ông xin trở về Cao Xá phụng dưỡng cha mẹ già, hương khói cho hai anh rồi mất tại đây.

Phúc thần muôn dân

Để ghi nhớ công lao của 3 vị tướng họ Phan, nhà vua đã phong cho các ngài làm phúc thần, giao cho các thôn Cao Xá, Nhữ Thị, An Đông (xã Thái Hòa) lập đình thờ. Vua ra sắc chỉ tấn phong anh cả Phan Chí là Đệ nhất chí công, quản lĩnh tả đạo đại tướng quân dũng khí hầu; anh hai Phan Khí là Đệ nhị chí công, quản lĩnh hữu đạo đại tướng quân kinh khí hầu; em út Phan Minh là Đệ tam minh công, đề giám sát hậu quân thông minh hầu. Đình Cao Xá là một trong những nơi thờ phụng 3 tướng, được xây dựng từ sớm, lúc đầu còn nhỏ, đến thời Nguyễn được tu tạo to đẹp. Công trình uy nghi tọa lạc giữa làng gồm 5 gian tiền bái với nhiều mảng chạm khắc rồng, phượng, tùng, hạc, sen, rùa, tôm, cua cá… rất tinh xảo. Hậu cung gian chính giữa có đặt ban thờ, trên có 3 cỗ ngai và mũ áo thành hoàng. Với kiến trúc đặc sắc, giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh tiêu biểu, đình Cao Xá đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1994. Hiện di tích còn nhiều cổ vật và 6 đạo sắc phong thời các Vua Thành Thái và Khải Định.

Ông Vũ Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết cùng với đình Cao Xá, đình Nhữ Thị và đình An Đông của xã cũng tôn các ngài làm thành hoàng. Hai công trình này đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2008 và năm 2017.

Lễ hội truyền thống diễn ra vào ngày mùng 9 và 10 tháng giêng hằng năm là sự kiện văn hóa lớn không chỉ của nhân dân 3 thôn trong xã mà còn của cả vùng. Ngày chính hội, cả 3 làng Cao Xá, Nhữ Thị và An Đông đều linh đình tổ chức lễ rước kiệu các tướng ra ngôi nghè chung để cúng tế.

Vào mỗi dịp tháng giêng, cháu con 3 làng dù làm ăn đâu xa cùng trở về tham dự lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có công đánh giặc giúp nước và ôn lại truyền thống con Lạc cháu Hồng.

NGỌC HÙNG