Chăm sóc lúa thời kỳ đứng cái, làm đòng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:35, 11/04/2017
Để lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc sau:
1. Bón phân
- Đối với trà xuân sớm: Tiến hành rút nước lộ ruộng khi lúa đã bảo đảm số dảnh, hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, chuyển sang phân hóa đòng thuận lợi. Thời gian để nước lộ ruộng liên tục từ 7-10 ngày, sau đó đưa nước trở lại và bón phân thúc đón đòng với lượng từ 3-5kg kali/sào.
- Đối với trà xuân muộn: Bảo đảm mực nước từ 2-3 cm cho những diện tích lúa đang đẻ nhánh rộ để lúa sinh trưởng, đẻ nhánh thuận lợi. Những diện tích lúa đã đẻ đủ số dảnh, rút nước lộ ruộng để lúa hạn chế đẻ nhánh vô hiệu và chuyển sang phân hóa đòng. Bón đón đòng với lượng từ 3-5 kg kali/sào. Thời gian bón tập trung từ ngày 1-10.4, kết thúc trước ngày 15.4. Với những diện tích lúa chậm phát triển có thể bón thêm 0,5-1 kg urê/sào.
Lưu ý: Không bón đạm cho các diện tích lúa tốt. Tuyệt đối không bón thêm phân đạm cho những diện tích đang bị nhiễm bệnh đạo ôn.
2. Phòng trừ sâu bệnh
Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh hại, phát hiện sớm để có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Lúa vụ xuân thường có một số sâu bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bệnh rầy nâu… Trong đó, chú ý phun trừ 2 loại bệnh sau:
- Bệnh đạo ôn (còn gọi là bệnh cháy lá lúa): Khi lúa bị bệnh phải bảo đảm giữ đủ nước để lúa sinh trưởng bình thường. Không được bón thêm phân đạm hoặc phun phân bón qua lá, thuốc kích thích sinh trưởng cho các ruộng lúa bị nhiễm bệnh. Tiến hành phun trừ bệnh bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Fu-Army 40EC, Bankan 600WP, Bump 650WP, KasaiS 92SC, Beam 75WP... Nếu phun thuốc xong gặp mưa thì phải phun lại.
- Sâu cuốn lá nhỏ thường nở rộ và gây hại nặng trên diện rộng vào giai đoạn lúa đẻ nhánh cho đến ngậm sữa (khoảng 20-25 ngày sau gieo) và giai đoạn từ làm đòng đến trỗ (khoảng 40-60 ngày sau gieo). Nên áp dụng các biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ như phát quang bờ ruộng, dùng bẫy đèn tiêu diệt ngài, bón phân cân đối tránh để thừa đạm, tưới tiêu hợp lý; phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng sẽ cho hiệu quả phòng trừ cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn