Ðể không còn phải “giành lại vỉa hè”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:15, 17/04/2017
Không biết từ bao giờ, việc chiếm dụng vỉa hè đã trở thành tập quán của người dân đô thị. Tập quán không đẹp này diễn ra dai dẳng, từ xây dựng lấn chiếm vỉa hè, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, đến cho thuê vỉa hè, cản trở các hoạt động hợp pháp trên vỉa hè… Khi tập quán trở thành một vấn nạn gây ách tắc giao thông, mất an toàn, mất mỹ quan đô thị, làm nảy sinh các tệ nạn xã hội, nạn bảo kê… thì nó trở thành nỗi bức xúc của dân chúng. Cuộc sống đòi hỏi phải xử lý, phải “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”.
Để xảy ra tình trạng nêu trên, trước hết có lỗi của chính quyền. Việc quản lý trật tự đô thị không nghiêm, xử lý không dứt điểm các vi phạm, xuất hiện nạn bảo kê, trục lợi từ vỉa hè của một số cán bộ chính quyền, công an, tổ bảo vệ dân phố. Việc quy hoạch đô thị chưa hợp lý. Điển hình là phát triển ồ ạt nhà ở phân lô. Tình trạng ngập úng đô thị diễn ra trầm trọng và là nỗi sợ hãi kéo dài của người dân.
Tiếp đến là thói quen kinh doanh và tổ chức cuộc sống tùy tiện của người dân. Đa số người dân nghiễm nhiên coi vỉa hè là vật sở hữu. Thậm chí sở hữu luôn khoảng không gian dưới lòng đường trước cửa nhà mình không cho ai xâm phạm, chỉ dừng đỗ xe thôi cũng không được. Một bộ phận dân cư nghèo đô thị và người nông thôn ra thành thị kiếm sống đều bám vào vỉa hè…
Nhưng không lẽ cứ mãi phải làm cái việc cực chẳng đã là “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Vì vậy, cần có những giải pháp căn cơ. Phải bắt đầu lại từ đầu, ngay từ bây giờ. Bởi chuyện vỉa hè cho người đi bộ không chỉ góp phần xây dựng đô thị văn minh, mà còn bởi không dọn dẹp được vỉa hè thì chính quyền còn có thể làm được việc gì? Người dân đang dò xét chính quyền từ những việc nhỏ nhất.
Chính quyền thành phố, thị xã, các thị trấn, những nơi chuẩn bị được đô thị hóa cần hết sức coi trọng công tác quy hoạch. Cần hạn chế phát triển nhà ở phân lô. Những bất cập về quy hoạch hiện nay cần được điều chỉnh hợp lý. Sửa quy định cũ không phù hợp. Ví dụ TP Hải Dương cần sửa quy định về chiều cao nền nhà so với vỉa hè (hiện nay quy định 45 cm, quá cao). Nếu cứ để quy định hiện tại thì đương nhiên người dân phải xây dựng bậc lên nhà và như thế dễ xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Chính quyền đô thị phải chống được úng ngập để người dân không phải nâng nền nhà. Muốn không còn con nêm làm đường cho xe lên vỉa hè để vào nhà dân thì block không được quá cao…
Chính quyền phải chống tham nhũng vỉa hè trong bộ máy công quyền. Xử lý nghiêm, tận gốc nạn bảo kê, thu phí vỉa hè bất hợp pháp. Tổ chức hợp lý việc kinh doanh hàng rong…
Tiếp tục xây dựng nếp sống văn minh cùng với nâng cao đời sống cho người dân đô thị. Kiên quyết xử lý các tệ nạn xã hội trên vỉa hè. Tuyên truyền, giáo dục người dân chỉ sử dụng phần đất của mình, không lấn chiếm đất công, giữ gìn vệ sinh môi trường. Khi vận động người dân hiến đất làm đường cũng phải quy định chặt chẽ tránh trường hợp khó xử lý vi phạm sau này.
Có nhiều việc phải làm, nhưng trước hết phải bắt đầu từ chính quyền thì mới xây dựng được vỉa hè văn minh, bền vững. Tư duy lãnh đạo, phát triển đô thị cần thay đổi. Tập quán kinh doanh của người dân cần thay đổi... Chính quyền tạo điều kiện sinh hoạt, làm ăn cho người dân, đưa ra các quy định và kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh.
NGUYỄN LƯU THANH XUÂN