Thanh Miện: Người dân đồng thuận việc xây dựng cụm công nghiệp

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 07:59, 21/04/2017

Trong thời gian ngắn, cả 3 cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện Thanh Miện đã được đầu tư, đưa vào hoạt động.



Do giải phóng mặt bằng thuận lợi, nhà máy của Công ty TNHH Vietstar bắt đầu tuyển lao động

Nguyên nhân quan trọng nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được người dân đồng thuận cao, các cấp, các ngành liên quan tập trung triển khai nhanh gọn, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư. 

Tại CCN Ngũ Hùng - Thanh Giang, nhà máy sản xuất các loại rèm, ga giường, khăn trải bàn của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 18 triệu USD đã đi vào hoạt động chỉ sau khi triển khai GPMB chưa đầy 1 năm. Sau hơn 3 tháng hoạt động, nhà máy đã phát huy hơn 50% công suất. Dự kiến khi hoạt động ổn định, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho 1.500 lao động.   

Đầu tháng 8.2016, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Yoangone (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại CCN Cao Thắng với tổng diện tích 37,3 ha. Chỉ trong hơn 3 tháng tập trung đền bù GPMB, chủ đầu tư đã cơ bản được bàn giao mặt bằng. Doanh nghiệp đang tập trung hoàn thiện thiết kế nhà máy, trong đó 31,5 ha dành cho sản xuất, kinh doanh; 5,8 ha dành cho cây xanh, dịch vụ và xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của CCN.

Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án gần 50 triệu USD, tạo việc làm cho 10.000 lao động. CCN Cao Thắng có tổng diện tích gần 50ha. Đây là doanh nghiệp thứ hai sau Công ty TNHH May mặc quốc tế Phú Nguyên đầu tư sản xuất tại CCN này.

Chỉ sau hơn 1 năm triển khai, hiện nay CCN Đoàn Tùng cũng đã dần hoàn thiện hạ tầng và thu hút được 2 dự án đầu tư thứ cấp. Từ tháng 4.2016 đến nay, Công ty TNHH Vietstar đã khẩn trương hoàn thành nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất giày dép xuất khẩu với quy mô 6 triệu sản phẩm/năm. Dự án của doanh nghiệp này sử dụng mặt bằng 6,6 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD. Ngay sau Tết Đinh Dậu, doanh nghiệp đã tập trung tuyển dụng và đào tạo lao động. Khi đi vào hoạt động ổn định, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động...

Dự án thứ hai là nhà máy sản xuất bao bì nilon nhựa PE, PP, OPP, HD và màng chít các loại, do Công ty CP Đầu tư sản xuất, xuất nhập khẩu Trường Giang làm chủ đầu tư, từ tháng 12.2016 đến nay đang gấp rút xây dựng nhà xưởng. Dự án này có tổng vốn đăng ký đầu tư 2,7 triệu USD, dự kiến sử dụng 220 lao động.

Ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư sản xuất, xuất nhập khẩu Trường Giang cho biết: "Được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan và nhất là sự ủng hộ của người dân địa phương nên quá trình đầu tư dự án khá thuận lợi.

Nhà máy phấn đấu sẽ hoạt động chính thức từ cuối năm nay. Dự kiến trong tương lai gần nhà máy tại Đoàn Tùng sẽ mở rộng thêm trở thành trung tâm sản xuất duy nhất, thay thế cả các xưởng sản xuất hiện tại ở xã Hồng Quang (Thanh Miện), thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), Hà Nội và Bắc Ninh".

Theo ông Nguyễn Viết Hà, Chủ tịch UBND xã Đoàn Tùng, để có được kết quả trên, điều quan trọng nhất là công tác GPMB phải được thực hiện công khai, minh bạch và nhanh chóng. Ngay sau khi có chủ trương, quy hoạch CCN, chính quyền và các đoàn thể trong xã đã tuyên truyền, phổ biến vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng CCN đến tất cả các hộ dân trong phạm vi dự án. Theo kế hoạch, thời điểm GPMB có thể trùng với lúc thu hoạch lúa nên xã đã vận động người dân không gieo cấy, đồng thời đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ 500.000 đồng/sào cho vụ thu hoạch đó. 

"Trước khi GPMB, xã đã gửi thông báo đến từng hộ dân để thống nhất về diện tích, đơn giá đền bù, hỗ trợ. Sau đó, xã mời các hộ đến làm việc để giải quyết những thắc mắc, vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm đếm, thống kê. Khi đi đến thống nhất, chỉ trong nửa ngày đã tổ chức xong việc chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân", ông Hà nói. Đến nay, việc GPMB đã hoàn thành gần 1 năm nhưng không có trường hợp nào khiếu kiện, thắc mắc.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Hưng, Trưởng Công an huyện Thanh Miện cho biết khi các doanh nghiệp đến đầu tư, Công an huyện đã chủ động nắm tình hình, xác định rõ những yếu tố tích cực, tiêu cực, nhất là công tác bảo vệ môi trường. Từ đó tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện có các phương án hỗ trợ cụ thể, phù hợp đối với khả năng và tiến độ đầu tư của từng doanh nghiệp.

 "Chúng tôi chủ động phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tại địa phương làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân hỗ trợ công tác GPMB. Ngoài bàn giao gọn mặt bằng thực địa, các ban, ngành chức năng của huyện và các xã đã tập trung hoàn thiện nhanh các thủ tục hành chính, quy trình bồi thường, hỗ trợ người dân bị thu hồi đất", ông Hưng nói.

THANH HOÀNG