Xây dựng văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên: Không chỉ hô khẩu hiệu

Tin tức - Ngày đăng : 07:58, 23/04/2017

Năm An toàn giao thông (ATGT) 2017 được thực hiện theo chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên”.



Ban ATGT tỉnh đã giao Tỉnh đoàn là đầu mối tổ chức, tuyên truyền công tác này. Nhưng để việc xây dựng văn hóa giao thông (VHGT) thực sự hiệu quả, ngoài việc tuyên truyền thì cần quan tâm đến xử lý các vi phạm.

Việc xây dựng VHGT cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tại Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương được Đoàn trường thực hiện từ nhiều năm qua và đi vào thực chất, chứ không hô hào khẩu hiệu. Anh Trần Văn Quỳnh, cán bộ Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương cho biết ĐVTN vi phạm giao thông sẽ bị xử lý, đánh giá vào thi đua của người vi phạm và thành tích của từng chi đoàn. Như vậy, chi đoàn buộc phải giáo dục, nhắc nhở ĐVTN.

Nếu nói chung chung, hô hào mà không xử lý thì họ không sợ, không nghe. Nhiều năm nay, nhà trường đã duy trì các quy định rất chặt chẽ. Ví dụ, với hành vi đi mô tô, xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm thì học sinh, sinh viên sẽ không được qua cổng trường. Trong nhiều năm gần đây, ĐVTN của trường không bị cơ quan chức năng gửi thông báo về nhà trường do vi phạm giao thông.

Tại Sở Giao thông vận tải, khi đi mô tô, xe gắn máy đến trụ sở, cán bộ, nhân viên, trong đó có ĐVTN phải xuống xe dắt qua cổng. Mặc dù đây là hành động nhỏ, song do hằng ngày thực hiện nghiêm từ cán bộ chủ chốt nên các ĐVTN đã tự giác chấp hành, dần hình thành ý thức, VHGT. Nhiều ĐVTN thuộc Đoàn Thanh niên Sở Giao thông vận tải thực hiện tốt các quy định về ATGT.

Tuy nhiên, những cơ quan, đơn vị có ý thức xây dựng và  ĐVTN thực hiện tốt VHGT không nhiều. Thực tế cho thấy việc xây dựng VHGT cho thanh thiếu niên khối trường học, cơ quan, đơn vị thường hiệu quả hơn ở khối xã, phường, thị trấn.

Ở cấp xã, việc xây dựng VHGT cho thanh thiếu niên gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả vì nhiều nơi chưa quan tâm, khó gắn với trách nhiệm so với khối cơ quan, đơn vị. Mặc dù hầu hết các cơ sở đoàn khối phường, xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện Năm ATGT, song việc triển khai trên thực tế còn khá chung chung. Theo chị Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư Huyện đoàn Cẩm Giàng, đến nay, đơn vị chưa nhận được thông báo nào về những ĐVTN vi phạm giao thông.

"Xây dựng VHGT cần gắn giữa tuyên truyền với xử lý. Nếu chỉ nhắc nhở rồi bỏ qua thì sẽ tái diễn vi phạm, nhất là thanh thiếu niên. Để giáo dục VHGT thì cần sự tích cực cả từ phía gia đình, nhà trường, các đoàn thể mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Nếu kết thúc Năm ATGT 2017, việc giáo dục VHGT cho thanh thiếu niên bị sao nhãng thì tình trạng vi phạm giao thông của người thuộc độ tuổi này lại đâu đóng đấy", thiếu tá Nguyễn Thái Học, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP Hải Dương nhấn mạnh.

Để việc tuyên truyền, xây dựng VHGT hiệu quả, ngoài việc thanh thiếu niên tự nâng cao ý thức, xây dựng VHGT thì các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, Đoàn Thanh niên các cấp, các gia đình phải thực sự vào cuộc. Người lớn cần gương mẫu khi tham gia giao thông.

Qua thống kê hằng tháng của Ban ATGT tỉnh, số lượng thanh thiếu niên liên quan đến các vụ va chạm hoặc tai nạn giao thông luôn chiếm từ 30 - 40%. Đa số các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cũng liên quan đến người thuộc độ tuổi này. Tình trạng người điều khiển mô tô, xe gắn máy chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, quá tốc độ... hầu như do thanh thiếu niên gây ra. Điều này cho thấy giáo dục VHGT cho thanh thiếu niên cần tiếp tục được đẩy mạnh, gắn với xử lý các vi phạm.


TIẾN HUY