Giữ lửa cho sân khấu không chuyên
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 06:24, 25/04/2017
Vừa sáng tác vừa dàn dựng, mang hết ngọn lửa nhiệt tình và tài năng lên sân khấu, những tác giả kịch bản sân khấu không chuyên đã giúp cho phong trào văn nghệ quần chúng trở nên sôi nổi.
Tác giả Nhật Quang có nhiều tác phẩm được giải tại các liên hoan, hội diễn
Chỉnh kịch bản theo diễn viên
Viết vở kịch đầu tiên từ năm 1977 nhưng đến năm 2000, sau khi về nghỉ theo chế độ, tác giả Xuân Dật (phường Việt Hòa, TP Hải Dương) mới sáng tác liên tục. Đến nay, ông đã có trong tay gần 40 kịch bản sân khấu bao gồm cả chèo và kịch nói. Đó là gia tài khá đồ sộ đối với một tác giả không chuyên. "Đa số các vở được tôi viết theo đơn đặt hàng của các xã, phường. Mỗi khi có hội làng, hội diễn họ lại mời viết theo chủ đề nào đó, thường là những chủ đề có tính thời sự như xây dựng nông thôn mới, làng văn hoá, phòng chống ma tuý... Diễn cho bà con xem thì phải có yếu tố hài hước nên nhiều người bảo tôi là viết vở nào cũng cười được", tác giả Xuân Dật cho biết.
Tuy sáng tác không chuyên nhưng những cây bút như tác giả Xuân Dật lại phải đáp ứng được những yêu cầu "khó nhằn" của văn nghệ quần chúng là gần gũi, hấp dẫn người xem, mà lại phù hợp với khả năng có hạn của diễn viên. Các tác giả vẫn thường nói đùa rằng diễn viên chuyên nghiệp phải diễn theo vở có sẵn, không được như diễn viên quần chúng có tác giả viết vai kiểu "đo ni đóng giày" cho riêng mình.
Sáng tác là phải diễn được, thành vở trên sân khấu nên nhiều khi các tác giả phải xoay xở đủ kiểu mới "theo" được diễn viên. Năm 2016, tác giả Phan Thị Nhật Quang sáng tác một vở kịch cho xã Kim Anh (Kim Thành), nơi bà đang cư trú để tham gia hội diễn sân khấu không chuyên của huyện. Đi vận động khắp xã được 5 người đồng ý tham gia diễn, bà Quang mới bắt tay vào viết một vở chèo có 5 nhân vật. Sau khi tập, diễn viên cứ giảm dần vì ốm đau, bận rộn, bà Quang phải dồn kịch bản xuống còn 4 vai rồi lại 3 vai. Đến khi chỉ còn 2 người, bà Quang buộc phải đảm nhiệm một vai. "Thế là mình tôi vừa làm tác giả, vừa đạo diễn lại vừa diễn luôn. Vất vả nhưng vui lắm vì vở diễn đoạt giải A của huyện, kịch bản được giải kịch bản hay nhất. Sau đó, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mời cả đội lên trường quay diễn để thu và phát cho nhân dân toàn tỉnh xem", tác giả Nhật Quang hào hứng kể lại.
|
Đa phần các tác giả không chuyên bước vào sáng tác khi tuổi không còn trẻ, thường là khi đã nghỉ hưu. Bởi đó là lúc họ có nhiều thời gian để tham gia các phong trào ở địa phương. Có người có năng khiếu và thường xuyên biểu diễn từ khi còn trẻ như tác giả Xuân Dật, song cũng có người trước đó chưa từng hoạt động văn nghệ như tác giả Nhật Quang (vốn là một giáo viên môn toán). Song khi đã đến với sân khấu, họ đều chung một ngọn lửa đam mê, sẵn sàng viết đi viết lại một vở kịch, vở chèo, không ngại ngần chỉ dẫn từng câu hát, động tác để các diễn viên không chuyên lột xác trên sân khấu.
Trăn trở không nguôi
Để viết một kịch bản, tác giả Tống Ngọc Ban (xã Đồng Lạc, Nam Sách) thường mất 3-4 tháng lên khung, ấp ủ, tìm tòi tư liệu. Mỗi khi dựng vở cho các xã, ông lại mất cả tháng trời tập dượt cho các diễn viên. Các buổi tập đều diễn ra vào tối vì ban ngày các diễn viên còn bận đi làm đồng, trông cháu… Cả đạo diễn và diễn viên đều nhiệt tình, hăng hái nên đêm nào cũng tập đến 10-11 giờ... Bỏ ra nhiều công sức như vậy nhưng mỗi vở cả viết và dàn dựng, tác giả chỉ được thù lao 3-4 triệu đồng. Nhiều địa phương kinh phí eo hẹp còn không có tiền để dựng vở. Các tác giả không chuyên nhiều khi không dám sáng tác nhiều vì không có đất diễn.
Công việc vất vả, thù lao thấp mà lại không có nhiều cơ hội như vậy nên đội ngũ các tác giả sân khấu không chuyên ngày một thưa vắng dần. Là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tác giả, đạo diễn sân khấu, tác giả Tống Ngọc Ban rất trăn trở trước thực tiễn này. Ông cho biết: “Cách đây khoảng 10 năm, khi tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác cho tác giả không chuyên do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức, tôi thấy đội ngũ sáng tác sân khấu có hơn 30 người. Đến nay, câu lạc bộ chỉ còn hơn 10 người. Nam Sách có đông nhất là 5 người, những huyện còn lại có 1-2 người, có huyện không có ai”.
Không chỉ đội ngũ tác giả vừa ít, vừa thiếu người trẻ tuổi mà các diễn viên cũng đang “lão hóa” dần, dẫn đến nguy cơ các loại hình nghệ thuật dân tộc sẽ dần biến mất khỏi sân khấu quần chúng. Đó cũng là nỗi lo lắng của các tác giả không chuyên. “Trước kia, phường Việt Hòa nổi tiếng có nhiều giọng hát chèo hay. Vậy mà bây giờ chỉ còn những người già đam mê chèo nhưng không hát được nữa. Tôi đi dựng vở ở nhiều nơi cũng vậy, diễn viên chủ yếu từ 45 tuổi trở lên. Nếu cứ như thế này, chắc chỉ chục năm nữa là sân khấu không chuyên chẳng còn mấy diễn viên”, tác giả Xuân Dật bày tỏ. Từ hai năm nay, xã Kim Anh không còn đội chơi nhạc dân tộc do các thành viên đều đã già hoặc đã mất. Mỗi khi dựng vở cho xã, tác giả Nhật Quang lại phải mượn đội nhạc từ những nơi khác. “Thiếu vắng dần những người chơi nhạc cụ dân tộc như vậy thì sân khấu không chuyên làm sao phát triển được nghệ thuật truyền thống như chèo, hát văn”, tác giả Nhật Quang lo lắng.
Với tình yêu dành cho sân khấu, các tác giả không chuyên đã và đang góp phần nuôi dưỡng phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương. Để giữ được ngọn lửa này và truyền cho những thế hệ tiếp theo, cần tạo thêm nhiều sân chơi, đất diễn, thu hút và bồi dưỡng những người trẻ có năng khiếu tham gia.
VIỆT HÒA