Nghịch lý giá lợn: Ai đang móc túi người tiêu dùng ?
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:54, 26/04/2017
Người tiêu dùng đang bị móc túi quá nhiều, do miếng thịt đi qua nhiều khâu trung gian. Ảnh: Bình Phương.
Mua một, bán cao 2-3 lần
Khoảng 6 tháng nay, giá lợn hơi liên tục giảm và hiện ở các tỉnh miền Bắc chỉ còn 18-22 nghìn đồng/kg, tức chỉ bằng 50% giá thành, tuỳ từng loại, nhưng vẫn không bán được, khiến nhiều hộ chăn nuôi khuynh gia bại sản. Đây là mức giá thấp nhất từ trước tới nay.
Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, đơn vị đang xây dựng liên kết theo chuỗi cho biết, “Ngay tại thủ phủ chăn nuôi lợn ở miền Bắc là vùng Ngọc Lũ (Hà Nam), hiện lợn loại 1,4-1,5 tạ/con còn nhiều và bán 1,5 triệu đồng/con (tức khoảng 10.000 đồng/kg hơi) cũng không bán được. Giá thịt lợn của Việt Nam đang thấp nhất thế giới rồi”- ông Dũng nói.
Giá lợn hơi rớt thê thảm là vậy, nhưng kỳ lạ, giá thịt bán tại các chợ, siêu thị vẫn neo cao. Theo khảo sát của PV ngày 25.4 cho thấy, tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chợ Cầu Giấy, Đồng Xa… thịt nạc thăn vẫn bán giá 80.000 đồng/kg; ba chỉ 75.000 đồng/kg; sườn giá 90.000 đồng/kg. Tại siêu thị Fivimart Lò Đúc, giá thịt nạc xay 109.000 đồng/kg; thịt mông sấn 95.000 đồng/kg; nạc vai 109.000 đồng/kg; móng giò 70.000 đồng/kg.
Lý giải vấn đề trên, chị Lê Thị Liên, chủ một lò mổ lợn tại Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, giá thịt cao là do qua nhiều cầu trung gian. Theo chị, giá lợn hơi lò mua tại trang trại 15.000- 20.000 đồng/kg, tùy thuộc chất lượng thịt (tỷ lệ mỡ ít hay nhiều).
Sau khi giết mổ, một con lợn trung bình 100kg, còn khoảng 75- 80 kg thịt. Giá bán móc hàm (lợn cả con, bỏ phần nội tạng) giá 35.000 đồng/kg. Giá lợn thấp, người nuôi không đủ tiền mua thức ăn, đa số lợn đều bán khi đói nên tỷ lệ thịt móc hàm đạt cao.
“Một con lợn mua khoảng 1,8-2 triệu đồng, sau khi giết mổ, tôi nhập cho tiểu thương chợ đầu mối khoảng 3 triệu đồng. Trừ tiền xăng, phí vào chợ (2 -3 triệu đồng/tháng/xe, tùy vào các chợ đầu mối), phí điện nước cho lò mổ, mỗi con lợn lãi 250.000- 300.000 đồng”, chị Liên cho biết.
Tuy nhiên, thịt móc hàm của lò mổ chị Liên sau khi bán tại chợ đầu mối Minh Khai (Hà Nội), cánh bán lẻ ở các chợ cóc, chợ truyền thống tiếp tục lấy về, và tăng giá từ 5.000- 10.000 đồng/kg; trung bình giá thịt móc hàm khoảng 45.000 đồng/kg.
Theo chị Nguyễn Thị Nhung, tiểu thương bán thịt tại chợ Cầu Giấy (Hà Nội), giá thịt nhập cho quán ăn trung bình 60.000 đồng/kg. Nếu chia nhỏ từng loại thịt bán lẻ, giá nạc thăn khoảng 80.000 đồng/kg; ba chỉ 75.000 đồng/kg… Mỗi con lợn hơi 100 kg, sau khi giết mổ, bán thịt khoảng 5-5,5 triệu đồng, gấp 3 lần giá mua lợn hơi.
“Tiền thuê quầy hàng, xăng xe…mỗi tháng hết 6-7 triệu đồng. Hơn nữa, chúng tôi bán dựa theo giá lấy của quầy hàng chợ đầu mối. Họ không giảm, chúng tôi không dám hạ giá vì không đủ bù chi phí”- chị Nhung cho biết.
Vì sao siêu thị “một mình một chợ”?
Lý giải vì sao giá thịt lợn bán ở siêu thị vẫn ở giá cao, ông Bùi Mạnh Hải, Giám đốc Lotte Mart Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, giá siêu thị sẽ điều chỉnh trễ hơn thị trường một chút.
“Chẳng hạn vào mùa Tết hay bão lũ, giá siêu thị vẫn ổn định dù giá ngoài thị trường tăng cao. Tất nhiên, thị trường xuống sâu quá, siêu thị cũng không thể giảm ngay được, vì còn có những thoả thuận khác với nhà cung cấp”-ông Hải nói. Cũng theo đại diện Lotte Đống Đa, giá thịt khác nhau, có thể do chất lượng thịt khác nhau. Hàng chất lượng sẽ xuống thấp hơn, hàng trôi nổi ngoài chợ xuống nhanh hơn.
Có hay không đơn vị trung gian đẩy giá lợn bán lẻ tăng cao?, ông Hải phân tích: “Câu chuyện khâu trung gian ăn quá nhiều là có thật vì ông nọ bán cho ông kia. Vì vậy, khi thịt giảm giá bao giờ người nông dân cũng thiệt thòi nhất”.
Theo ông Hải, nếu nông dân, hay hợp tác xã bán trực tiếp cho siêu thị sẽ có giá cao hơn và ngược lại, siêu thị mua được nông dân với giá gốc, sẽ bán cho người tiêu dùng rẻ hơn. Ở đây, nên hiểu là tiểu thương mua gom, thấy lãi nhiều là họ bán, vì họ không cần uy tín thương hiệu cũng không mất tiền thuê mặt bằng…
Nhìn nhận vấn đề trên, ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Metro Thăng Long cho rằng, ai cũng xác nhận được nguyên nhân giá heo bán lẻ vẫn cao là do khâu trung gian, nhưng mọi giải pháp đưa ra chưa giải quyết được tận gốc.
Theo ông, vấn đề quy hoạch trong nông nghiệp ở Việt Nam bao nhiêu năm nay vẫn bị như thế. “Chừng nào mình làm được đối tác đầu ra tin cậy, chẳng hạn bán cho Trung Quốc cũng phải có đầu mối thu gom, kế hoạch đoàng hoàng, tin cậy chứ không phải kiểu đang mua, lại dừng một cái thì mình chết”- ông Phong nói.
Đại diện Metro Thăng Long cũng cho rằng, bà con nếu thấy giá đang tốt, không nên tăng sản lượng một cách mù quáng vì mình biết mình bán được bao nhiêu. Các trang trại tăng đàn kinh khủng, mỗi trang trại hàng nghìn con sẽ làm cho tổng số lợn như vậy. Nhưng giá nó xuống đến mức thế này nằm trong mơ cũng không ai nghĩ đến”, ông Phong nói.
Ông Phong cho biết thêm, mới có một năm trước, nhiều nơi bán hàng còn khốn khổ vì lợn lên 50.000 đồng/kg hơi không ai bán cho, Metro cũng thỉnh thoảng thiếu hàng một chút. Năm nay, giá giảm xuống còn 20.000 đồng/kg lợn hơi, thậm chí có hôm còn xuống dưới 20.000 đồng/kg lợn. Hiện, thịt lợn của Metro mua của Công ty CP Chăn nuôi C.P, nên giá giảm hay không phụ thuộc vào nhà cung cấp.
Người tiêu dùng đang bị móc túi quá nhiều, một phần do miếng thịt phải đi
qua nhiều khâu trung gian. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Cần tổ chức lại thị trường
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, giá lợn hơi xuống thấp, trong khi giá thịt tại chợ, siêu thị vẫn cao là do việc điều tiết hệ thống thương mại, nhất là khâu trung gian chưa bài bản.
Theo ông Vân, trong chuỗi chăn nuôi lợn, nông dân chỉ được hưởng lợi nhuận khoảng 11,6 %, trong khi khâu thương mại đã lên tới 27%. Với giá lợn hơi hiện nay, khâu trung gian lại càng có lãi cao. Thậm chí, nếu không kiểm soát tốt, thì hệ thống này có thể quay lại ép chết tiếp nông dân.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cũng cho rằng, khâu tổ chức thị trường chưa tốt, người sản xuất và người tiêu dùng đều bị thiệt. Hậu quả từng xảy ra là dưa hấu, hành tím, khoai tây nay đến thịt lợn… cứ được mùa lại rớt giá thê thảm.
Theo bà An, vấn đề lớn đối với ngành nông nghiệp hiện nay là dù định hướng đã có nhưng khâu tổ chức, thực hiện kém. Cần rà soát lại việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao. Ngoài ra, cần tổ chức lại thị trường, quản đầu ra thật tốt cho sản phẩm của bà con nông dân, doanh nghiệp, giảm bớt, thậm chí là triệt tiêu khâu “ăn chặn” của thương lái.
“Nhà nước phải hỗ trợ tối đa, các ngân hàng và nhà khoa học cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho bà con. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành liên quan cần có dự báo thị trường để không còn lặp lại tình trạng này”- bà An nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đồng quan điểm khi cho rằng, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mấy ngày qua rất đúng hướng. Trước mắt, theo bà Lan, nhà nước cần tập trung hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho nông dân trong việc tiêu thụ lợn. Đặc biệt là kêu gọi các doanh nghiệp chế biến hỗ trợ thu mua, đưa vào kho lạnh bảo quản.
Theo bà Lan, về dài hạn, ngành nông nghiệp rất cần phải tổ chức lại cách thức sản xuất. Có khoảng 3 triệu hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, số kinh doanh tập trung chưa nhiều. Do đó, Bộ NN&PTNT cần có hệ thống dự báo thị trường, cung cấp thông tin thị trường thường xuyên cho bà con nông dân.
“Nhà nước không thể can thiệp toàn bộ vào việc “trồng cây gì, nuôi con gì” của bà con, song cần giám sát chặt chẽ, định hướng cho bà con. Bao nhiêu năm nay, phía Trung Quốc mua giá nông sản của bà con với giá cao nhưng 1-2 lần rồi bỏ lơ, thành ra người dân đổ xô chăn nuôi, trồng trọt rồi đến lúc thu hoạch xuất bán không được, lĩnh đủ hậu quả” - bà Lan phân tích.
Cũng theo bà Lan, bên cạnh cung cấp thông tin thị trường, việc đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải làm nghiêm túc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, người tiêu dùng mới tin tưởng và tiêu thụ nông sản tốt hơn.
“Người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn thực phẩm. Thực tế, dù giá thịt lợn hiện chỉ 20.000-30.000 đồng/kg nhưng trong chợ và các siêu thị vẫn bán giá cao. Người tiêu dùng không thể an tâm, tự tin chạy về vùng quê để mua lợn với giá 20.000-30.000đồng/kg được, khi họ không biết rõ nguồn gốc, cách thức chăn nuôi của từng hộ dân” - bà Lan nói.
Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cơ quan quản lý vừa hướng dẫn, vừa phải giám sát, thậm chí xử phạt nặng những người cố tình vi phạm, gây hại cho người tiêu dùng.
“Chính quyền các cấp, nhiều tổ chức quần chúng, xã hội…phải có trách nhiệm tham gia vào, cùng nhau giám sát nông dân, cùng bảo ban nhau làm cho hiệu quả. Người tiêu dùng đều ủng hộ bà con chăn nuôi, trồng trọt, nhưng không ai chấp nhận những người gây hại cho sức khỏe của chính bản thân người tiêu dùng và gia đình họ”-bà Lan chia sẻ.
“Nhà nước không thể can thiệp toàn bộ vào việc “trồng cây gì, nuôi con gì” của bà con, song cần giám sát chặt chẽ, định hướng cho bà con. Bao nhiêu năm nay, phía Trung Quốc mua giá nông sản của bà con với giá cao nhưng 1-2 lần rồi bỏ lơ, thành ra người dân đổ xô chăn nuôi, trồng trọt rồi đến lúc thu hoạch xuất bán không được, lĩnh đủ hậu quả”.
Chuyên gia Phạm Chi Lan
Theo Tiền phong