Nâng cao hiệu quả hệ thống giao thông đường thủy nội địa: Bài 2: Đầu tư chưa tương xứng

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 06:47, 27/04/2017

Hạ tầng, phương tiện đường thủy nội địa (ĐTNĐ) chưa được đầu tư đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, an toàn, không phát huy được năng lực vận chuyển.


Do vậy, gánh nặng giao thông vận tải đang đẩy sang đường bộ.




Hạ tầng, phương tiện đường thủy nội địa chủ yếu do người dân đầu tư nên chưa phát huy năng lực
 vận chuyển hành khách, bốc xếp hàng hóa


Chưa được quan tâm đúng mức

Hiện nay, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng bến thủy nội địa thấp hơn so với đầu tư hạ tầng đường bộ. Thậm chí, có bến thủy nội địa người dân đầu tư 100% vốn. Bến đò Nhân ở xóm Đồng Ngành, thôn Nhân Hiền, xã Hợp Đức (Thanh Hà) có 1 đò máy trị giá khoảng 200 triệu đồng, do các hộ dân trong xóm đóng góp. Trước đây, lối lên xuống toàn bùn lầy, người chở đò phải cõng từng cháu học sinh lên bờ. Nay lối lên xuống 2 bên bờ cũng được người dân trong xóm tự bỏ công, góp kinh phí xây dựng, gồm hàng chục m3 đá, cát.

Tương tự như vậy, các cảng, cảng nội bộ, bến hàng hóa cũng do tư nhân hoặc doanh nghiệp đầu tư. Tùy theo năng lực tài chính hoặc yêu cầu bốc dỡ, chuyên chở hàng hóa, doanh nghiệp sẽ xin phép và bỏ kinh phí để lắp đặt thêm hạ tầng kỹ thuật, nạo vét, duy tu luồng lạch. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các cơ quan quản lý chuyên môn, kỹ thuật chủ yếu cấp phép, giám sát. Đại diện một số doanh nghiệp đầu tư cảng, bến hàng hóa cho biết: cũng do việc đầu tư chưa đồng bộ, ít được quan tâm so với đường bộ nên trên đường thủy đang diễn ra tình trạng mạnh ai nấy làm. Nhiều bến không phép, không phải đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng bốc dỡ với giá thấp hơn các bến khác dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Thực tế việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ĐTNĐ yêu cầu vốn ít, sử dụng ít diện tích, cước phí rẻ, chi phí vận hành thấp, hạn chế ô nhiễm môi trường. Phát triển giao thông ĐTNĐ sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trên đường bộ. Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn Hải Dương của UBND tỉnh mới công bố cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020 việc đầu tư đường dẫn vào bến, sửa chữa, cải tạo bến cũ; đầu tư và mở rộng bến mới dự kiến kinh phí gần 189 tỷ đồng. Cũng các hạng mục trên, giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến kinh phí là 707 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong cả 2 giai đoạn, để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng bến mới thì ngân sách nhà nước chỉ đầu tư 1% kinh phí, 99% còn lại là từ nguồn xã hội hóa. Trước khi có quy hoạch này, việc đầu tư phương tiện, xây dựng hạ tầng bến thủy nội địa cũng chủ yếu do người dân, doanh nghiệp đảm nhận. Trong khi đó, đầu tư cải tạo, nâng cấp một tuyến đường bộ có chi phí từ vài trăm cho đến hàng nghìn tỷ đồng. Tùy hình thức đầu tư, nhiều tuyến đường người dân phải trả phí cầu đường. Có tuyến đường phải lấy rất nhiều diện tích đất nông nghiệp.

Đẩy gánh nặng cho đường bộ

Hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều bất cập. Hệ thống đường bộ tuy được đầu tư xây dựng và nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại ngày càng tăng của người dân. Vận tải đường bộ hiện chiếm trên 95%, còn lại 5% là các phương thức vận tải khác. Vì mục đích tăng doanh thu, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm số lượt lưu thông, nhiều chủ xe, chủ hàng, lái xe sẵn sàng chở quá tải, đi vào đường cấm. Đường bộ đang phải đảm nhận một khối lượng vận tải hàng hóa chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu vận tải hàng hóa, dẫn tới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng xuống cấp.

Chúng ta thử làm một phép tính: Một chiếc tàu sông chỉ cần đi 1 chuyến đã có thể chuyên chở 1.000 tấn xi măng từ huyện Kinh Môn về TP Hải Dương. Nếu trên đường bộ, sẽ cần phải 10 chiếc ô tô trọng tải 100 tấn, bốc hàng từ nhà máy, qua quốc lộ 17, ra quốc lộ 5 rồi mới về đến TP Hải Dương. Như vậy, nếu chuyên chở hàng hóa bằng đường sông sẽ giảm được cước phí và giảm được ít nhất 20 lượt ô tô trọng tải lớn đi trên đường (cả đi và về). Không chỉ hạn chế ùn tắc, tránh tai nạn giao thông, việc giảm số lượt ô tô tải sẽ góp phần bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ. Mặc dù thấy rõ hiệu quả của đường thủy, song nếu không triển khai sớm quy hoạch, cải tạo, nâng cấp hạ tầng để phục vụ chuyên chở hành khách, vận chuyển hàng hóa thì hạ tầng đường bộ sẽ tiếp tục quá tải. Hiện nay, ngành chức năng đang quản lý gần 60.000 xe ô tô, 900.000 mô tô, 27.700 xe máy điện nhưng chỉ có 2.139 phương tiện thủy trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, mặc dù số lượng cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã gia tăng nhanh chóng, tuy nhiên công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập. Mạng lưới đường bộ và đường thủy chưa phát triển đồng đều, thiếu tính kết nối giữa các loại hình vận tải. Điều này dẫn đến năng suất bốc xếp không cao, không phát huy tối đa được năng lực của cơ sở hạ tầng đã đầu tư xây dựng. Hầu hết bến thủy nội địa là các bến tự nhiên, chưa xây dựng cầu bến và các công trình bến bãi, đường lên xuống theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đáng lưu ý là tình trạng bến thủy nhỏ lẻ, manh mún, trái phép, bến không đủ điều kiện an toàn để cấp phép, thiết bị bốc xếp hàng hóa lạc hậu còn phổ biến.

Trước sự phát triển nhanh chóng của phương tiện đường bộ, để bảo đảm an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng đường bộ thì việc quy hoạch, nâng cao hiệu quả khai thác ĐTNĐ để phát huy năng lực vận tải của cảng, bến, đường sông là việc làm cần thiết hiện nay.

TIẾN HUY - VỊ THỦY