Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng
Tin tức - Ngày đăng : 07:00, 30/04/2017
Chỉ trong mấy ngày đêm, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, hằng năm đóng góp trên 1/3 GDP của cả nước
Chỉ trong mấy ngày đêm, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Dân tộc ta đã đi qua 30 năm với gần 11.000 ngày đêm chiến đấu gian khổ, hy sinh để có được ngày non sông liền một dải. Từ những đêm ở trong rừng sâu, ở những nơi kìm kẹp của quân giặc, nín thở mài gươm dưới ánh trăng thề quyết trả thù nhà đền nợ nước, đến những ngày ánh đuốc bùng lên cùng tiếng mõ vang rền đồng khởi ở Mỏ Cày (Bến Tre), ở cả miền Nam, để hôm nay cả Sài Gòn vỡ òa niềm vui chiến thắng trong rừng cờ, rừng hoa vẫy chào của nhân dân thành phố: "Ba năm mới có một ngày/cả đô thành phấp phới cờ bay/cả miền Nam vang vang tiếng hát/cả cuộc đời mới có hôm nay".
Ôi những phút giây sung sướng nhất của đời người, mẹ gặp con trong đoàn quân chiến thắng trở về, quần áo còn lấm lem bụi đất, khét lẹt mùi thuốc súng. Mẹ ôm chầm lấy con, bàn tay chai sần của mẹ run run sờ lên mặt con, nhận hình dáng con trai của mẹ, mẹ khóc! Những giọt nước mắt bấy nhiêu ngày, từ một đêm lặng lẽ tiễn con đi, lặn vào trong, mẹ nuốt, mẹ nén nỗi đau trong lồng ngực bao nhiêu năm sống trong sự kìm kẹp của quân xâm lược và bè lũ tay sai. Quên sao được những đêm đen cả miền Nam đau thương quằn quại dưới máy chém đầu rơi máu chảy với sự tàn sát thảm khốc bắt và diệt những người yêu nước. Trong các trại tập trung, ấp chiến lược, các trại giam, hàng nghìn người chết vì bị đầu độc, khảo tra. Những tiếng gọi máu phải đền nợ máu. Chúng ta đã đứng lên, nhân dân miền Nam đã đứng lên từ Bến Tre đồng khởi, rừng già Tây Ninh, chiến khu Đ gian lao mà anh dũng, từ mũi chông, thanh gươm được mài sắc, từ tiếng mõ tre...
Nhìn lá cờ nửa đỏ, nửa xanh của Mặt trận Giải phóng phấp phới tung bay trên tháp pháo xe tăng, trên những cánh tay vẫy chào của mẹ ta, chị ta, em ta, nghe lời chỉ dẫn "Dinh Độc Lập, đường Tự do rẽ trái" của người em biệt động Sài Gòn mà xúc động vô cùng. Trong niềm vui hân hoan ấy, chúng ta nhớ đến công lao trời biển của Bác Hồ. Bác cũng đang về đây trong đoàn quân chiến thắng mang tên Người - Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Từ bến Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước ngày 5.6.1911 đến ngày giải phóng miền Nam là 64 năm: "Chúng con về nơi Bác đã ra đi/Đường lắm dốc hôm nay con mới tới".
Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Bác Hồ luôn nghĩ đến miền Nam, nhớ đến miền Nam: "Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi", "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Đất nước vâng theo lời dạy của Người, miền Bắc ra sức thi đua lao động sản xuất, mỗi người làm việc bằng hai cho đồng bào miền Nam ruột thịt, chi viện cho miền Nam sức người, sức của "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".
Những năm tháng cuộc chiến tranh gay go, quyết liệt, hằng ngày Bác nhìn lên bản đồ theo dõi chiến sự ở miền Nam. Mỗi lần có đoàn cán bộ ở miền Nam ra, Bác bảo cho Bác được gặp các cô, các chú đó ngay. Bác ôm chầm lấy đoàn cán bộ, dũng sĩ miền Nam với tình cảm cha gặp con, ông gặp cháu, nghẹn ngào.
Trước lúc đi xa, mùa xuân Kỷ Dậu 1969, thư chúc Tết của Bác vang lên: "Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào!/Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn". Lời chúc Tết của Bác Hồ cũng là lời hịch của non sông. Song phải mất 6 năm sau, đến mùa xuân 1975, nhân dân cả nước ta mới thực hiện được mong ước của Người.
Ơi, anh chiến sĩ giải phóng quân, mũ tai bèo, chân dép lốp đã đi mấy ngàn ngày đêm không nghỉ "đá mòn mà đôi gót không mòn", ta đi về phương Nam nơi nhân dân đang chờ đón trong khí thế hào hùng của cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại: "Đất nước đổ ra đường/Tiềm lực lớn những binh đoàn chiến lược".
"Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây" nghe sao mà sung sướng, tự hào, mà hởi lòng hởi dạ. Để có được ngày 30.4.1975, đồng bào miền Nam đã phải chịu biết bao khổ đau, càng thấm thía lời dạy của Bác: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng sau 42 năm giải phóng, bộ mặt đã thay đổi nhiều, sáng bừng lên trong ánh sáng diệu kỳ, xua đi những tối tăm, cơ cực, những túp lều lụp xụp, những khu ổ chuột bên dòng kênh nước đen hôi thối. Thay vào đó là những khu nhà cao tầng, những công viên, vườn hoa, khu du lịch và đường hoa rực rỡ mỗi độ xuân về.
Nhớ lại những ngày đầu mới giải phóng, thành phố đang bộn bề những công việc, ngổn ngang những lo toan cho cuộc sống của nhân dân, giải quyết nạn thiếu gạo phải ăn bo bo, nạn thất nghiệp, tệ nạn xã hội nhiều năm qua của chế độ cũ để lại. Một số người tỏ ý hoang mang lo ngại, có người đã bỏ quê hương ra đi tìm đến chân trời khác. Những câu hỏi đặt ra: Phải làm sao đây?
Một lần nữa hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo lại thử thách chúng ta. Lớp lớp thanh niên xung phong của thành phố Hồ Chí Minh lại khoác ba lô đi xây dựng vùng kinh tế mới, rồi khoác súng lên đường đánh trả bọn giặc ở biên giới Tây - Nam. Những lúc khó khăn, Đảng bộ và nhân dân thành phố cùng đoàn kết, tìm ra hướng đi mới, tự cởi trói, mở đầu cho những tư duy về đổi mới kinh tế gắn với đổi mới cơ chế chính sách.
Từ đó thành phố bắt đầu chuyển mình từng bước vững chắc. Tầm vóc của thành phố không ngừng đổi thay mang dáng vẻ thành phố văn minh, hiện đại. Các khu công nghiệp công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều. Tốc độ đầu tư xã hội ngày một lớn, kết hợp phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, là đầu tàu kinh tế, hàng năm đóng góp trên 1/3 GDP của cả nước. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Sân bay Tân Sơn Nhất hằng năm đón hàng chục triệu hành khách. Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải là một trong 19 cảng biển lớn nhất thế giới vừa mới khánh thành đón chuyến tàu container đầu tiên 200.000 tấn. Những cánh tay hàng không, cảng biển vươn xa đến mọi chân trời, nền kinh tế của nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang là điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước. Có dịp đi trên máy bay ngắm toàn cảnh thành phố Hồ Chí Minh ta càng cảm nhận được thành phố to đẹp đang đổi thay từng ngày.
Bỗng tôi nhớ đến anh hùng phi công, chiến sĩ tình báo Nguyễn Thành Trung, cách đây 42 năm, vào lúc 8 giờ 30 sáng 8.4.1975 đã mưu trí, dũng cảm lừa giặc, lái chiếc máy bay phản lực F5E của Mỹ hai lần ném bom dinh Độc Lập, báo hiệu sự sụp đổ của chính quyền ngụy. Ngày 21.4.1945, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và ngày 28.4.1945, Nguyễn Thành Trung cùng phi đội 5 chiếc máy bay A7 cướp được của giặc ở sân bay Đà Nẵng đến dội bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Khi nước nhà thống nhất, một thời gian sau anh về làm Phó Tổng Giám đốc Việt Nam Airlines. Vào thời khắc này chắc người anh hùng phi công cũng nghĩ như chúng tôi - những người đang đi trên hãng máy bay của anh, cảm thấy sung sướng vô ngần trên bầu trời đầy ánh hào quang của thành phố, thấy thành phố mình to đẹp quá. Đúng như lời Bác Hồ dạy: "Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!".
Trong khuôn viên dinh Độc Lập (nay là dinh Thống Nhất), chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 390 do trung úy chính trị viên đại đội, trưởng xe Vũ Đăng Toàn quê ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) chỉ huy cùng đồng đội húc sập cánh cổng sắt để lao thẳng vào dinh Độc Lập vẫn kiêu hãnh, hiên ngang đứng đó và hình ảnh quả cảm của đại úy đại đội trưởng Bùi Quang Thận xông lên cắm lá cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập rồi cùng các sĩ quan chứng kiến giờ phút lịch sử - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh và toàn bộ nội các đầu hàng.
30 năm chỉ có 1 ngày, một hướng đi, một ngày mà chính quyền ngụy vĩnh viễn bị xóa bỏ, trả lại chính quyền về tay nhân dân. Sức mạnh vĩ đại của nhân dân làm nên tất cả. Sức mạnh dời non lấp biển đã đánh bại kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai bán nước dù chúng có vũ khí tối tân, kinh tế giàu có hơn ta gấp nhiều lần để giành lại giang sơn gấm vóc. Mới hay câu nói của người xưa: "Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân" và xa xưa trong lời hịch của Lý Thường Kiệt: "Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời".
Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, trải qua nhiều gian nan, ta càng yêu biết bao những người con ưu tú đã ngã xuống mảnh đất phương Nam đầy nắng, gió này cho non sông liền một dải, mà ngày chiến thắng lại không có mặt: "Em hãy nhìn lên sắc cờ kiêu hãnh/Có anh về ôm ấp rặng dừa xanh".
Chiến thắng 30.4.1975 là bản anh hùng ca bất diệt cho hôm nay và mãi mãi về sau của dân tộc ta - một dân tộc anh hùng biết hy sinh và biết chiến thắng, là tiếng gọi của non sông, tiếng gọi của biết bao thế hệ lớp cha trước, lớp con sau đã hy sinh xương máu, mồ hôi, nước mắt để vun đắp, dựng xây cho thành phố xứng tầm khu vực và thế giới - thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng...
VŨ HOÀNG LUYẾN