Đi tìm trứng kiến trong núi rừng Hoàng Hoa Thám
Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 03/05/2017
Hằng năm, cứ độ tháng 3, tháng 4 âm lịch, người dân thôn Tân Lập, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) lại rủ nhau đi tìm trứng kiến.
Những hạt trứng kiến to như hạt gạo, trắng mẫm, béo ngậy trở thành món ăn đặc sản.
Thợ đi săn trứng kiến phải trèo lên thân những cây cao chừng 5-6m, khá nguy hiểm
Nghề nguy hiểm
Từ lâu, xã Hoàng Hoa Thám được du khách biết đến với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và nhiều đặc sản của rừng núi. Trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là trứng kiến. Mùa trứng kiến thường diễn ra thời gian ngắn, từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch. Khi đó, những tổ kiến to tròn, bên trong đầy trứng bám chắc trên thân cây xoan, cây keo, cây vải...
Đã hẹn từ trước, anh Hoàng Đức Tài (34 tuổi), giáo viên trường THPT Trần Phú (Chí Linh) đưa tôi theo chân một nhóm thợ đi lấy trứng kiến. “Để tìm tổ kiến không khó nhưng phải biết đúng thời điểm. Kiến thường làm tổ trên những cây cao ở ven rừng. Muốn tìm tổ kiến có trứng phải đi vào ngày nắng, khô ráo. Ngày mưa ẩm ướt sẽ khó lấy”, anh Tài tiết lộ.
Theo chân những người đi tìm trứng kiến, chúng tôi mới thấy việc này cũng rất kỳ công, nguy hiểm. Dụng cụ để lấy trứng khá đơn giản. Chỉ cần một con dao phát, một chiếc rổ nhựa có buộc quai bằng gậy gỗ hoặc thân cây thẳng và một chiếc bát nhựa là đủ.
Kiến thường làm tổ trên những cành cây cao cách mặt đất chừng 5-6m. Khi phát hiện ra tổ kiến, mọi người chặt tạm đoạn dây mây ven đường buộc quanh bụng để gài dao. Sau đó, họ đi chân trần, hai tay bám chặt thân cây, thoăn thoắt chèo đến khu vực tổ kiến. Đến nơi, người lấy trứng kiến một tay bám chặt vào thân cây, tay còn lại vung dao phạt đứt cành cây có tổ kiến để hạ xuống đất. Việc làm này cần có kỹ thuật và nhanh gọn để tổ kiến vẫn còn có phần cành cây làm cán cầm, vừa không bị rơi vỡ khi tiếp đất. Khi tổ kiến được hạ xuống đất, công đoạn phức tạp lại bắt đầu. Đó là lấy trứng kiến.
Hạt trứng kiến có màu trắng, mập
Ông Trịnh Đình Hồng (55 tuổi) ở thôn Tân Lập có "thâm niên" đi tìm trứng kiến từ nhỏ cho biết: “Lấy trứng kiến thì không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Chỉ sơ ý sẽ bị ngã hay bị kiến đốt. Loại kiến này đốt không đau nhưng tạo cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu”.
Theo lời kể của ông Hồng, trước đây, đi tìm trứng kiến là một nghề khá phổ biến của người dân nơi đây mỗi khi nông nhàn. Cứ vào mùa trứng kiến, hàng tốp thợ lại kéo nhau men theo đường rừng, bờ suối để lấy trứng kiến. Thời gian gần đây, do người dân khai thác nhiều, số lượng tổ kiến ít dần.
Đặc sản núi rừng
Nghề tìm trứng kiến ở thôn Tân Lập có từ lâu. Theo lời các cụ cao tuổi trong xã, trứng kiến rất lành, giàu dinh dưỡng, có thể làm nhiều món ăn ngon như trứng kiến xào, trứng kiến kho, xôi trứng kiến… Các món ăn từ trứng kiến cũng phù với mọi lứa tuổi nhưng dễ chế biến và phù hợp với khẩu vị người ăn, nhất là món trứng kiến cuộn lá lốt.
Để chế biến món ăn này, công đoạn đầu tiên phải làm sạch trứng. Bát trứng kiến đầy ắp khi mang về vẫn còn dính một chút vỏ của tổ kiến và kiến con. Để làm sạch, người làm phải lấy một tấm vải màn hoặc khăn mặt xấp nước rồi vắt kiệt. Sau đó, chải từng lớp mỏng trứng kiến lên trên mâm. Phủ tấm vải ẩm lên trên rồi nhấc nhẹ, từng lớp kiến con và sạn bẩn bám vào tấm vải theo ra. Làm như vậy nhiều lần, trứng kiến sẽ được làm sạch.
Trứng kiến là một món ăn ngon, bổ dưỡng hấp dẫn thực khách
Trứng kiến trở thành loại thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao được nhiều thực khách ưa chuộng. Trứng kiến có giá từ 300.000-400.000 đồng/kg. Một ngày chăm chỉ tìm kiếm, một người có thể thu được từ 3-5 kg trứng kiến để bán cho các nhà hàng.
ĐỨC TÂM