Sức mạnh của nhân dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ
Tin tức - Ngày đăng : 07:03, 07/05/2017
Sau những thất bại bước đầu của kế hoạch Nava, viên Tổng chỉ huy quân đội Pháp đối phó hoàn toàn bị động, cuối cùng đã chọn Điện Biên Phủ xây dựng thành tập đoàn cứ điểm và là trận quyết chiến chiến lược. Vì theo tính toán của các chỉ huy quân Pháp, Việt Minh không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp. Do đó, phần thắng trận quyết chiến chiến lược sẽ thuộc về quân Pháp.
Ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là trận quyết chiến chiến lược để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trong chiến dịch này, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) cho rằng cung cấp hậu cần cho chiến dịch là khâu khó khăn nhất, giải quyết được vấn đề này mới bảo đảm chiến dịch thắng lợi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá trên mặt trận Điện Biên Phủ vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố rất quan trọng và không kém các vấn đề chiến thuật. Khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tình hình chiến đấu. Cho nên quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc ta. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã đề ra những giải pháp quyết đoán: Một mặt động viên nhân dân Tây Bắc ra sức tiết kiệm để đóng góp tại chỗ, mặt khác huy động tối đa sức người và sức của trong nhân dân bao gồm hàng chục vạn dân công và bộ đội làm đường dã chiến trong khoảng thời gian rất ngắn, dưới các điều kiện rất khó khăn ở miền núi, lại luôn bị máy bay Pháp oanh tạc. Dân công từ vùng tự do đi tiếp tế bằng gánh gồng, xe đạp thồ, kết hợp cùng cơ giới bảo đảm hậu cần cho chiến dịch. Đội quân gồm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, được huy động tới hàng chục vạn người, gấp nhiều lần quân đội và được tổ chức biên chế như quân đội.
Trong đó, lực lượng quan trọng phục vụ hậu cầu cho chiến dịch là đội xe đạp thồ trên 2 vạn người, mỗi xe chở được 200 - 300 kg, kỷ lục lên đến 352 kg. Xe đạp được cải tiến có thể thồ cao gấp hơn 10 lần dân công gánh bộ. Xe thồ còn có thể hoạt động trên những tuyến đường mà xe ô tô không thể đi được. Phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn ngoài tầm dự tính của các chỉ huy quân đội Pháp. Trong thời gian tiến hành chiến dịch, ta đã huy động được hơn 26 vạn dân công từ các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 cùng 20.911 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, đóng góp cho chiến dịch 25.000 tấn lương thực...
Đánh giá về sức mạnh của nhân dân, Bác Hồ khẳng định: Muốn làm cách mạng phải bắt đầu từ dân, dân trước, súng sau; để phát huy sức mạnh của nhân dân phải tuyên truyền, giác ngộ họ, tổ chức thành lực lượng to lớn. Sau này từ thực tế cách mạng, Bác đã chỉ ra rằng “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, việc cung cấp hậu cần, đạn dược rất khó khăn đối với ta. Việc khó đến “vạn lần” nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã biết tổ chức huy động và phát huy sức mạnh của nhân dân, để “dân liệu” đã xong.
Bài học kinh nghiệm “Sức mạnh của nhân dân có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch” trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị với mọi thời kỳ. Trong sự nghiêp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay càng đòi hỏi Đảng ta vận dụng sáng tạo bài học đó.
ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (Trường Chính trị tỉnh)