Khi nông dân liên kết ngang

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:58, 08/05/2017

Mối liên kết ngang giữa nông dân với nông dân là một mắt xích quan trọng góp phần xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung...



Để bảo đảm lịch thời vụ, nông dân xã Đồng Gia (Kim Thành) đã thành lập các tổ
 liên gia để đổi công cho nhau. Ảnh: Phạm Ninh Hải


Chủ động

Tổ liên gia (TLG) là nơi gắn kết các hộ trồng rau màu tại xã Đồng Gia (Kim Thành). Ông Nguyễn Đăng Bậc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: Từ năm 2000, một vài hộ trong xã đã tự liên kết để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Do đặc thù sản xuất nông nghiệp của địa phương là trồng rau màu kết hợp cấy lúa nên áp lực về thời gian để bảo đảm "sáng lúa, chiều rau" rất lớn. Các hộ đã tổ chức dồn đổi ngày công lao động cho nhau. Mục đích hoạt động ban đầu của TLG chỉ là vậy.

Sau này, nhằm đáp ứng yêu cầu của sản xuất, các TLG không chỉ đổi công mà còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhau. Thông qua TLG, kiến thức về giống cây trồng hay kỹ thuật canh tác mới được người dân tiếp thu dễ dàng hơn. Chính vì hiệu quả mang lại mà đến nay toàn xã có khoảng 20 TLG, mỗi tổ khoảng 10 thành viên được tập hợp trên cơ sở vị trí sản xuất và loại cây trồng của từng hộ.

Trong khi nhiều địa phương khác của huyện Ninh Giang thực hiện chuyển đổi khu đồng trũng sang nuôi thủy sản từ những năm 90 thì đến năm 2001, xã Hồng Đức mới có chủ trương chuyển đổi. Mặc dù đi sau nhưng nghề nuôi thủy sản ở Hồng Đức lại phát triển nhanh và bền vững so với mặt bằng chung của huyện. Nguyên nhân do các hộ nuôi cá trong xã đã chủ động liên kết với nhau để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Từ năm 2012, khi Câu lạc bộ (CLB) Nuôi thủy sản Hồng Đức được thành lập thì mối liên hệ này càng bền chặt hơn.

Theo bà Đoàn Thị Đảo, Chủ nhiệm CLB, nhờ liên kết mà các hộ không còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thâm canh ồ ạt, tràn lan. Tại các buổi sinh hoạt CLB, các thành viên tích cực đóng góp ý kiến, xây dựng đề cương về quy trình nuôi cá để làm kiến thức chung cho các hộ nuôi. Ngoài hướng dẫn về kỹ thuật chuyên môn, CLB còn quan tâm tới việc dự báo thị trường, định hướng cho người dân lựa chọn những giống cá phù hợp với từng thời điểm. Chính vì vậy, nghề nuôi thủy sản ở Hồng Đức ít bị biến động bởi thời tiết, thị trường.

"Vài năm nay, nhờ sự giúp đỡ của các hội viên, cây đào của gia đình tôi đã có mặt ở thị trường miền Nam. Liên kết giúp chúng tôi thuận lợi
nhiều bề."


Hiện nay, các mô hình nông dân liên kết với nông dân vẫn còn tự phát, nhỏ lẻ. Song thực tế sản xuất cho thấy mối liên kết này đã tạo ra động lực, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Từ đó, giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, năng động và nhạy bén hơn trong việc tìm thị trường tiêu thụ.

Thúc đẩy sản xuất hàng hóa

Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tạo ra sản phẩm có khối lượng lớn, tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên tập quán canh tác manh mún, phân tán của người dân đã cản trở xu hướng phát triển này. Do đó, bên cạnh việc xây dựng mối liên kết dọc giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm khơi thông đầu ra cho nông sản thì cần phải chú trọng xây dựng mối liên kết ngang giữa nông dân với nông dân. Có như vậy mới có thể sản xuất hàng hóa tập trung, tạo vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việc nông dân chủ động liên kết với nhau đã phần nào tháo gỡ khó khăn của nền nông nghiệp. Người dân sẽ không còn đơn độc, loay hoay trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ông Đồng Văn Quyền ở xã Gia Xuyên (Gia Lộc) thừa nhận nếu không nhận được sự hỗ trợ của các thành viên trong hội trồng đào, hoa và cây cảnh của xã thì gia đình ông khó có thể gắn bó với nghề trồng đào hơn 10 năm nay.

“Trước kia, do tuổi cao không thể vận chuyển đào đi bán, tôi đành phó mặc cho thương lái tới tận ruộng thu mua nên thường xuyên bị ép giá. Vài năm nay, nhờ sự giúp đỡ của các hội viên, cây đào của gia đình tôi đã có mặt ở thị trường miền Nam. Liên kết giúp chúng tôi thuận lợi nhiều bề. Những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất đều được các hội viên giải đáp thỏa đáng", ông Quyền cho biết. Người có nhiều kinh nghiệm truyền đạt lại cho người ít kinh nghiệm hơn, từ đó dần thu hẹp khoảng cách về trình độ giữa các thành viên, hình thành lực lượng sản xuất đồng đều.

 Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì phải tăng cường liên kết, xây dựng các chuỗi giá trị. Các mối liên kết phải bền vững trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, hướng tới những cánh đồng mẫu lớn áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ, bài bản thì phải củng cố mối liên kết giữa nông dân với nông dân. Đây là tiền đề để thắt chặt mối quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp, mở rộng cánh cửa tiêu thụ nông sản.

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng những mô hình liên kết giữa nông dân với nông dân vẫn còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc do chủ yếu được xây dựng trên tinh thần tự nguyện. Để có thể phát huy hiệu quả và nhân rộng mối liên kết này thì cơ quan chức năng phải là điểm tựa, thắt chặt quan hệ giữa các thành viên.

DŨNG CƯỜNG