Đàn ông như thế...

Đời sống - Ngày đăng : 11:44, 08/05/2017

Từ nhỏ cái biệt danh “thằng đàn bà” đã gắn liền với Hùng. Người ta bảo trong xóm chẳng có ai “quái dị” như Hùng.



Cái “quái dị” mà mọi người nhắc đến là Hùng không thích đá bóng, không thích bêu đầu giữa trời nắng để bắt ve, lội đồng bắt cua bắt nhái như lũ con trai cùng xóm. Hùng chỉ thích làm việc nhà. Nhà có hai anh em trai, Hùng là anh cả. Bố mẹ Hùng làm công nhân cho một khu công nghiệp gần nhà. Mọi việc trong nhà như quét sân, nấu cơm, chăm lợn gà và kiêm luôn cả tắm giặt cho em Hùng đảm nhiệm hết. Trong nhà ngăn nắp, mọi chuyện đâu ra đấy. Lúc đầu mọi người khen, nhưng sau lại có vẻ dè bỉu và gán luôn cái biệt danh khó nghe như vậy cho Hùng.

Những năm tháng học đại học, Hùng cũng bị bạn bè xa lánh vì những hành động không giống mọi người. Hùng mặc kệ. Thỉnh thoảng có một vài lời châm chọc, người bạn ngồi kề thương cảm: “Ê, Hùng, người ta nói thế mà cậu không phật ý sao?”. Hùng cười khà khà: “Phật ý gì cơ chứ! Kệ họ thôi! Quan trọng là cách sống của mình như thế nào để cho người ta nể”. Mà mọi người nể Hùng thật. Bao nhiêu học bổng quan trọng trong lớp, trong trường Hùng đều rinh hết. Cách sống của Hùng cũng không để ai chê trách.

Đến khi Hùng chuẩn bị cưới vợ, nhiều người lại tiếp tục soi mói, nói không hay cả về cô người yêu của Hùng. Nào là: “Không hiểu bằng cách nào mà nó tán được con bé đó”, “Con bé đó đâu đến nỗi gì mà đi lấy cái thằng đàn bà”, “Con bé đó chắc là tấm bình phong cho thằng Hùng thôi”...

Có gia đình, Hùng luôn quan tâm chu đáo đến vợ. Anh chẳng nề hà việc gì. Biết vợ ốm yếu, sáng sớm anh tranh thủ chạy ra chợ mua thức ăn, rồi về nấu ăn sáng cho vợ. Hùng không sợ “làm hư vợ” như mọi người cảnh tỉnh, bởi anh hiểu mình, hiểu vợ hơn bao giờ hết. Mọi người quen biết Hùng cũng không lạ lẫm gì hình ảnh một người đàn ông đi làm thì chớ, về nhà là đeo tạp dề ở trong bếp phụ vợ cái này, cái kia. Có lần anh mời bạn bè anh em đồng nghiệp đến ăn cơm cùng, ai cũng nghĩ phía trong căn bếp sẽ là vợ Hùng chủ đạo những món ăn, nhưng không ngờ Hùng lại là đầu bếp chính. Một vài người bạn đồng nghiệp không được “thuận mắt” buông lời trêu chọc: “Hôm nay trong bếp có anh Ô sin nào vậy?”, “Tao nghĩ mày nên qua Thái Lan Hùng ạ!”, “Ngày mai hội chúng mình sung quỹ mua tặng Hùng thêm mấy chiếc tạp dề nữa nhé!”… Nhưng Hùng vẫn tỏ ra vui vẻ, không quan tâm lắm đến những lời nói đó giống như cách Hùng sống từ trước tới nay. Hùng chỉ cười rồi nói vui vẻ: “Mọi chuyện em đây xin nhận hết!”.

Bữa cơm Hùng dọn ra chẳng chê vào đâu được. Ngon như cơm ngoài hàng. Mọi người ăn uống với nhau vui vẻ. Nhất là mấy chị em đồng nghiệp thì quý Hùng lắm. Người này hỏi công thức, người nọ hỏi cách làm, chế biến ra sao. Nhìn vợ Hùng mỉm cười sung sướng cũng đủ thấy cô ấy hạnh phúc biết nhường nào. Hùng khiêm tốn chia sẻ thỉnh thoảng anh có thú vui lướt qua mấy trang web của phụ nữ, tìm hiểu các công thức nấu nướng, các cách chăm sóc sắc đẹp, các mẹo vặt trong gia đình để chia sẻ với vợ. Anh quan niệm với đàn ông, việc tạo dựng một sự nghiệp vững chắc để vợ con dựa vào là một chuyện nhưng những cử chỉ quan tâm vợ từ những điều bình thường, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày cũng là một cách để nắm giữ được trái tim của người phụ nữ và tự sưởi ấm gia đình nhỏ của mình. Nghe xong mấy người bạn nam đồng nghiệp trước đó nhỡ buông lời không hay mắc cỡ, mặt đỏ bừng, chẳng dám nhìn thẳng vào mặt Hùng.

Cuộc sống của Hùng cứ êm đềm trôi qua trong niềm hạnh phúc của một người đàn ông biết san sẻ công việc gia đình, mặc cho người ta nói ngược nói xuôi. Và ngần ấy năm sinh sống, đến khi có vợ, có con mọi người cũng không thấy một lời to tiếng, xích mích nào trong gia đình Hùng hay với hàng xóm xung quanh. Họ nhận ra rằng Hùng đích thị là người đàn ông chân chính. Biệt danh “thằng đàn bà” cũng từ đó biến mất.

CAO VĂN QUYỀN