Kinh Môn phát triển cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước
Tin tức - Ngày đăng : 09:04, 10/05/2017
Đến nay, Kinh Môn đã có 9 chi bộ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước với 78 đảng viên.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tá, Bí thư Chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất chế tạo và thương mại
Đức Anh kiểm tra hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp
Để phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, những năm qua, Huyện ủy Kinh Môn đã tập trung chỉ đạo đánh giá, khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chủ doanh nghiệp, tình hình hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên. Huyện ủy tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú trong doanh nghiệp nói chung và chủ doanh nghiệp nói riêng tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng để tạo nguồn, xem xét kết nạp đảng viên.
Vừa thành lập ngày 6.4, Chi bộ Công ty CP Sản xuất chế tạo và thương mại Đức Anh (gọi tắt là Công ty Đức Anh), trụ sở tại xã Long Xuyên là chi bộ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước mới nhất trên địa bàn huyện Kinh Môn. Dù mới thành lập song việc tổ chức, sinh hoạt của chi bộ đã dần đi vào nền nếp. Chi bộ đã hoàn thiện quy chế làm việc, xây dựng và ban hành quy định chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để cán bộ, đảng viên, người lao động đăng ký làm theo. Từng làm công tác đảng nhiều năm trong doanh nghiệp nhà nước nên đồng chí Nguyễn Xuân Tá, Bí thư Chi bộ, Tổng Giám đốc công ty nhận thức rõ tầm quan trọng, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của doanh nghiệp. "Sau khi nghỉ chế độ tôi được mời vào làm việc tại công ty. Trong doanh nghiệp có 3 đảng viên, đủ điều kiện thành lập chi bộ nên tôi đã đề nghị với Hội đồng quản trị xin thành lập chi bộ. Việc thành lập chi bộ đảng và các đoàn thể góp phần quan trọng để tăng cường sự đoàn kết nội bộ, kết nối doanh nghiệp với địa phương. Người lao động cũng tin tưởng hơn khi làm việc trong môi trường có đầy đủ hệ thống chính trị, đời sống tinh thần và vật chất được quan tâm", đồng chí Tá nói.
Công ty Đức Anh hiện có 22 cán bộ, công nhân, phần lớn có trình độ đại học với thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Để bảo đảm quyền lợi người lao động và tạo môi trường bổ ích, hấp dẫn cho các công nhân trẻ, chi bộ đã phối hợp với lãnh đạo công ty đề nghị Liên đoàn Lao động và Huyện đoàn Kinh Môn thành lập công đoàn và Đoàn Thanh niên tại doanh nghiệp. "Mục tiêu của chi bộ là trong năm nay phấn đấu 100% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Từ nay đến cuối năm, chi bộ phấn đấu lựa chọn được 3 quần chúng ưu tú đi học lớp cảm tình Đảng ", đồng chí Tá cho biết.
Theo Huyện ủy Kinh Môn, hiện có chi bộ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước mà bí thư chi bộ không phải là lãnh đạo công ty nhưng hoạt động rất tốt. Để có được kết quả đó, Huyện ủy luôn xác định củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng. Khẳng định công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể chính trị-xã hội trong doanh nghiệp không chạy theo số lượng, đồng chí Trương Đức San, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kinh Môn cho biết không phải doanh nghiệp nào đề nghị cũng được thành lập chi bộ. Quyết định thành lập chi bộ còn phải dựa vào việc khảo sát, đánh giá về hồ sơ, năng lực sản xuất, việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... của doanh nghiệp. Việc chọn lựa quần chúng ưu tú đi học cảm tình Đảng cũng được thực hiện kỹ lưỡng. Sau khi thành lập, chi bộ nào không đủ điều kiện hoạt động thì Huyện ủy sẽ quyết định giải thể theo đúng quy định. Thực tế cũng đã có 1 chi bộ không phát triển được đảng viên dẫn đến số lượng đảng viên không bảo đảm nên phải giải thể.
Theo đồng chí Nguyễn Vĩnh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kinh Môn, dù số lượng doanh nghiệp trên địa bàn rất nhiều nhưng Huyện ủy xác định sẽ chú trọng phát triển cơ sở đảng, đoàn thể chính trị trong các doanh nghiệp sản xuất thực sự hoạt động hiệu quả, ổn định và sử dụng nhiều lao động là người địa phương. Những công nhân, lao động của các doanh nghiệp là đảng viên sẽ là nòng cốt để phát triển đảng trong doanh nghiệp. Giải pháp quan trọng nhất là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, phòng, ban chuyên môn, lãnh đạo các địa phương có doanh nghiệp đóng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Phải làm cho họ thấy rõ được khi thành lập tổ chức đảng, đoàn thể chính trị-xã hội thì doanh nghiệp sẽ gắn kết với địa phương hơn, có lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
HOÀNG KHÁNH