Những hớ hênh trong quyết định trảm tướng FBI của Trump

Bình luận - Ngày đăng : 14:42, 12/05/2017

Sự vụng về và kém thuyết phục trong lý do đưa ra khiến quyết định sa thải giám đốc FBI của Trump gây hoài nghi.

nhung-ho-henh-trong-quyet-dinh-tram-tuong-fbi-cua-trump

Cựu giám đốc FBI James Comey. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9.5 bất ngờ sa thải giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, một quyết định khiến cả Washington choáng váng. Giới chuyên gia đánh giá hành động của ông Trump tiềm ẩn nhiều rủi ro, theo Washington Post.

Chưa đầy 12 tiếng sau khi thông báo từ Nhà Trắng được phát đi, những đồn đoán về việc Tổng thống Trump cố tình sa thải giám đốc FBI nhằm ngăn cản cuộc điều tra mối quan hệ giữa ông với Moscow cũng như cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ dồn dập xuất hiện.

Richard Painter, luật sư về các vấn đề đạo đức dưới thời tổng thống Mỹ George W. Bush, nhận xét động thái Trump sa thải giám đốc FBI rõ ràng là hành vi lạm dụng quyền lực. "Chúng ta không thể chấp nhận việc Tổng thống sa thải những người đang điều tra ông ấy", Painter nói.

Cây bút Aaron Blake từ Washington Post liệt kê những nguyên nhân lý giải vì sao quyết định sa thải giám đốc Comey sẽ tạo ra vấn đề lớn cho Tổng thống Mỹ Trump.

Lý do kém thuyết phục

Lý do chính quyền Trump đưa ra nhằm giải thích cho quyết định sa thải giám đốc FBI bắt nguồn từ việc ông này mắc sai sót khi xử lý cuộc điều tra bà Hillary Clinton sử dụng hòm thư điện tử cá nhân cho việc công lúc còn làm ngoại trưởng.

Theo đó, trong một phiên điều trần tại quốc hội tuần trước, Comey đã cung cấp thông tin không chính xác về một số thực tế quan trọng: Nguyên nhân ông không đề nghị truy tố bà Clinton. Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod J. Rosenstein miêu tả việc làm của ông Comey là hành vi "soán quyền" Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối cuộc đua vào Nhà Trắng hồi năm ngoái, khi Comey thông báo phát hiện các email mới liên quan đến bê bối của bà Clinton, Trump đã không tiếc lời khen ngợi ông.

"Tôi tôn trọng việc giám đốc Comey có thể trở lại sau những gì ông ấy làm", Trump lúc bấy giờ tuyên bố. "Làm tốt lắm FBI".

"Tôi thực sự từng bất đồng ý kiến với Comey. Tôi không hâm mộ ông ấy cho lắm nhưng tôi phải nói Comey đã lấy lại danh tiếng nhờ việc làm của mình", Trump nhấn mạnh. "Comey cần mạnh mẽ bởi vô số người đang muốn ông ấy làm sai".

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, lúc này còn là thượng nghị sĩ, cũng ca ngợi Comey vì "phát hiện những bằng chứng mới". Trump đồng tình, song giờ đây ông thay đổi hoàn toàn thái độ.

Sự chuẩn bị kém

nhung-ho-henh-trong-quyet-dinh-tram-tuong-fbi-cua-trump-1

Thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ Sean Spicer trả lời phóng viên về quyết định sa thải giám đốc FBI trong sân Nhà Trắng. Ảnh: Washington Post

Giới quan sát đánh giá phản ứng dữ dội từ dư luận trước việc giám đốc FBI bị sa thải hoàn toàn là điều bất ngờ đối với Nhà Trắng và dường như chính quyền Trump chưa có kế hoạch cụ thể để đối phó với những phản ứng không mong muốn.

Phóng viên Julia Glum từ Newsweek kể lại một số chi tiết cho thấy Nhà Trắng đã lúng túng ra sao trong việc xử lý tình hình.

Sau thời điểm Trump thông báo sa thải giám đốc FBI, thư ký báo chí cho Tổng thống Mỹ đã phải đứng ngay tại sân Nhà Trắng, trong bóng tối, để giải thích về quyết định này khi bị các phóng viên vây quanh.

Trong 10 phút, ông trả lời hàng loạt câu hỏi nhưng khuôn mặt không tránh khỏi thể hiện sự thất vọng bởi liên tục nhận được những câu hỏi giống nhau.

Câu đầu tiên: Có phải Tổng thống ra lệnh cho Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein đề xuất sa thải giám đốc FBI James Comey?

Spicer cho hay ông Rosenstein tự mình đề xuất và Tổng thống Trump không biết gì cho đến khi nhận được một biên bản ghi nhờ từ Thứ trưởng Tư pháp cùng bức thư đề nghị sa thải giám đốc FBI từ Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions.

Trump nhanh chóng quyết định làm theo đề xuất, thông báo cho FBI qua email vào khoảng 17h, đồng thời lệnh cho cận vệ thân tín chuyển thư tới FBI. Cùng lúc, Tổng thống Mỹ gọi điện đến các lãnh đạo quốc hội để thông báo về quyết định.

"Chính ông ấy", Spicer nói, nhắc tới Rosenstein trước những câu hỏi lặp đi lặp lại từ phóng viên. "Điều đó chính xác. Ý tôi là... Tôi không thể... Tôi đoán rằng mình không nên nói vậy... Cảm ơn... Không phải từ Nhà Trắng. Đó là quyết định của Bộ Tư Pháp".

Tuy nhiên, phó thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders hôm qua lại cho biết Tổng thống Trump đã đánh mất niềm tin vào Comey và cân nhắc sa thải giám đốc FBI kể từ ngày đắc cử.

Việc biên bản ghi nhớ từ Bộ Tư pháp Mỹ quá sơ sài và không chứa đựng những thông tin mới về quyết định sa thải giám đốc FBI còn khiến nhiều người nghi ngờ nó chỉ được thảo ra vào phút chót, Blake nhận xét.

Bản ghi nhớ cũng không nêu đề xuất từ Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein về việc sa thải ông Comey, chỉ đơn thuần nói rằng ông Comey đã "làm tổn hại đến uy tín của FBI" và "cần khôi phục sự tin tưởng của công chúng dành cho FBI". Điều này làm dấy lên những suy đoán có thể Tổng thống Trump tự mình đưa ra quyết định hay cũng có khả năng ông Rosenstein không muốn liên hệ tên mình tới sự việc.

Người Cộng hòa hoài nghi

Một số thành viên đảng Cộng hòa ở thượng viện Mỹ cuối ngày 10.5 cho hay thời điểm ông Comey bị sa thải khiến họ lo lắng vì không thể đưa ra lý giải thỏa đáng. "Tôi đã dành hàng giờ qua để đi tìm lời giải thích phù hợp cho thời điểm quyết định sa thải ông Comey được công bố nhưng không thể", thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona Jeff Flake viết trên mạng xã hội Twitter.

Nhưng có lẽ phản ứng mạnh mẽ nhất trước quyết định của Tổng thống Mỹ Trump đến từ Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr. Burr đang giám sát cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ông khẳng định "cả thời điểm lẫn lý do" sa thải giám đốc FBI đều "có vấn đề".

Sự hoài nghi của người Cộng hòa trước những gì Trump làm chắc chắn không phải một dấu hiệu tốt. Nó thể hiện rằng họ đã "hết kiên nhẫn" với Tổng thống Mỹ, bình luận viên Aaron Blake nhận định.

nhung-ho-henh-trong-quyet-dinh-tram-tuong-fbi-cua-trump-2

Con đường dẫn tới quyết định Trump sa thải giám đốc FBI

Vũ Hoàng