Không bỏ trống chuồng lợn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:06, 14/05/2017
Tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi lợn được tổ chức sáng 5.5, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương đã chỉ đạo các hộ dân trong tỉnh không nên thấy khó khăn mà dừng hẳn việc chăn nuôi. Cần duy trì chăn nuôi ở quy mô, mức độ vừa phải. Bởi nếu không tiếp tục chăn nuôi, không tái đàn thì chỉ khoảng 4-5 tháng nữa, thịt lợn sẽ khan hiếm, giá lại đội lên cao, nông dân lại ồ ạt tái đàn và tiếp tục rơi vào bế tắc.
Chỉ đạo này cũng có nghĩa nông dân không nên bỏ trống chuồng lợn. Đây là quan điểm chỉ đạo hợp lý nhằm bảo đảm tính bền vững trong sản xuất.
Một căn bệnh thâm căn cố đế của nông dân là sản xuất theo phong trào, tự phát, thả nổi theo nhu cầu nhất thời của thị trường. Khi được thì mọi người đồng loạt nhao vào, khi mất thì chán nản, buông bỏ. Nguyên nhân chính của "bi kịch" giá lợn thời gian qua là do việc ồ ạt nuôi lợn vào năm 2016 khiến tổng đàn tăng đột biến vượt quá nhu cầu thị trường. Sau khi sức tiêu thụ của thị trường giảm mạnh thì điệp khúc "được mùa, mất giá" như một căn bệnh chưa có thuốc chữa lại tái phát.
Nhiều gia đình chăn nuôi lợn đã mất ăn, mất ngủ vì lỗ lớn. Trong "cơn bão" về giá lợn, ai ai cũng đau lòng. Song từ cơn bão này nông dân và cả cơ quan chức năng, các hội nghề nghiệp về chăn nuôi, doanh nghiệp cần nhận rõ những hạn chế, khuyết tật của ngành chăn nuôi hiện nay để giải quyết, bớt đi những bài học đau xót.
Từ việc nông dân lao đao vì giá lợn xuống thấp kỷ lục có thể thấy rõ nhiều hạn chế của ngành chăn nuôi lợn. Từ phía nông dân, đó là tâm lý hám lợi, sản xuất tự phát, ít tin tưởng và làm theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Còn ngành nông nghiệp thì chưa kiểm soát tốt nguồn cung, để tổng đàn lợn tăng đột biến. Giai đoạn 2010-2015, tổng đàn lợn của Hải Dương có xu hướng giảm nhẹ. Năm 2015, Hải Dương có hơn 586.000 con lợn, giảm 100 con so với năm 2010. Vậy mà năm 2016, tổng đàn lợn trong tỉnh đã đạt gần 658.000 con, tăng gần 72.000 con so với năm 2015 (tăng 12,2%). Chỉ trong 1 năm số lượng đàn lợn đã tăng rất lớn.
Vai trò của ngành công thương trong việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm còn rất mờ nhạt. Khâu cấp đông lợn, chế biến sâu còn quá ít.
Nông dân và doanh nghiệp còn thiếu liên kết. Một số doanh nghiệp thu mua lợn sữa, lợn choai ở Hải Dương không có nguồn nguyên liệu trong tỉnh, phải sang các tỉnh khác để thu mua. Hội Nông dân các cấp, các hội nghề nghiệp về chăn nuôi chưa giúp được gì nhiều trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm...
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần làm gì để nông dân không bỏ trống chuồng? Đây là việc rất khó, bởi có thể càng nuôi lợn thì người dân càng lỗ - nếu giá cả thị trường không tăng lên đến mức chăn nuôi có lãi. Mặt khác, không ít người dân vẫn có tâm lý ít tin tưởng và làm theo các khuyến cáo, chỉ đạo, tư vấn của cơ quan chức năng. Điều này xuất phát từ những hạn chế trong nhận thức của người dân, nhưng cũng phản ánh hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực chưa cao.
Việc cần kíp trước mắt là phải nắm chắc tình hình chăn nuôi lợn của từng hộ. Những hộ nào bỏ trống chuồng thì cơ quan chức năng phải biết. Cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y, cán bộ Hội Nông dân ở xã, trưởng thôn, các đội trưởng đội sản xuất cần phối hợp với nhau để vừa vận động người dân duy trì sản xuất, vừa nắm chắc tình hình thực tế để kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương. Chính quyền cấp huyện, xã phải kịp thời thông tin cho tỉnh. Nếu người dân bỏ chuồng quá nhiều thì các cơ quan chức năng cần có những biện pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn từ sớm.
Thời gian gần đây, các cấp, các ngành đã tích cực vào cuộc, áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm bớt khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ cho người chăn nuôi lợn. Giá lợn cũng đang nhúc nhắc tăng lên, là tín hiệu để người chăn nuôi có thể hy vọng, gắng sức trụ vững qua giai đoạn nguy nan này.
NINH TUÂN