Dù lượn - môn thể thao mạo hiểm hấp dẫn
Trong nước - Ngày đăng : 09:00, 15/05/2017
Tự do bay lượn trước cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ là một trải nghiệm thú vị mà những người chơi dù lượn được tận hưởng nhưng theo đó là cả sự mạo hiểm.
Khi bay, người chơi có được cảm giác khó tả trước những cảnh đẹp thiên nhiên
Sau 2 tiếng di chuyển bằng ô tô từ TP Hải Dương, nhóm dù lượn của chúng tôi gồm 5 thành viên đã có mặt tại xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Nhóm trưởng Trần Quốc Chiến (34 tuổi) ở phường Cộng Hòa (Chí Linh) cho biết: “Núi Non ở thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương có độ cao gần 600m so với mặt nước biển là nơi lý tưởng để chơi môn dù lượn. Vì thế, tháng nào chúng tôi cũng tổ chức 2-3 buổi nhảy dù ở đây. Hôm nay thời tiết đẹp rất thuận lợi cho người chơi”. Tôi là “hành khách đặc biệt” ngày hôm nay của nhóm dù lượn Hải Dương.
10 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại điểm tập kết dưới chân núi. Ba chiếc xe ô tô địa hình chở tôi cùng 12 thành viên từ những nhóm khác đến từ Quảng Ninh, Hà Nội bò theo con đường toàn đất đá để lên đỉnh núi. Con đường vắt vẻo, có nhiều điểm dốc thẳng đứng, lổn nhổn đá và những rãnh sâu hoắm. Đoạn đường chỉ dài gần 10 km nhưng cả đoàn phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới tới “bãi nhảy”. Đây là một bãi đất trống được trải cỏ nhựa, độ dốc thoai thoải. Sau khi tranh thủ ăn chút đồ nhẹ, các “phi công” (tên thường gọi của người chơi môn thể thao dù lượn) lần lượt trải dù và chuẩn bị cho cuộc chinh phục bầu trời.
Việc đầu tiên phải làm là xác định hướng gió, yếu tố quyết định thành công hay thất bại của chuyến bay. Mẩu giấy trắng hoặc một miếng vải mỏng được buộc vào đầu cành cây khô cắm xuống đất là phương tiện đơn giản để làm việc này.
Trước khi bay, mọi người cử ra một thành viên có kinh nghiệm nhất điều hành bay. Người này sẽ điều phối các chuyến bay, hướng bay và chỗ hạ cánh cho người chơi. Hôm nay, anh Hải, thành viên Câu lạc bộ dù lượn Đông Bắc (Quảng Ninh) được chọn là người điều hành bay.
12 giờ 30, anh Hải ra hiệu cho nhóm bay đầu tiên xuất phát. Các “phi công” khéo léo dùng tay để điều khiển cáp theo hướng gió cho dù bay lên cao. Sau đó, họ xoay người chạy theo triền dốc thoai thoải và nhảy ra khỏi đỉnh núi. Cánh dù dài hơn 5m căng gió nhấc bổng họ lên không trung. Khi ấy, các “phi công” như những cánh chim thỏa thích bay lượn. Anh Hải chia sẻ: “Khi đã cất cánh được rồi, các “phi công” sẽ dùng cơ thể điều khiển dù lượn theo đúng hướng gió để chao lượn được trên bầu trời. Thời điểm giữa trưa và đầu giờ chiều là phù hợp nhất vì khi ấy gió ổn định, “phi công” sẽ không cảm thấy bị xóc và có thể bay lượn hàng tiếng đồng hồ”.
15 giờ, tốc độ gió đã giảm hơn, anh Chiến quyết định cho tôi đồng hành cùng anh trong bộ dù đôi. Anh Chiến dặn: “Anh đứng quay lưng lại phía em. Khi nào em hô chạy thì anh chạy giật lùi chếch 90 độ về phía em nhé. Sau khi đã cất cánh, anh phải bám chắc hai tay vào phần dây đai này để điều chỉnh tư thế ngồi cho thoải mái. Việc điều khiển dù cứ để em lo”.
Khi dù đã căng gió và nhấc bổng chúng tôi lên không trung, một cảm giác thích thú vô cùng. Tôi rướn người, hít thật sâu bầu không khí trong lành cùng ngọn gió bay qua mặt. Phía dưới chân là cảnh sắc đẹp như tranh vẽ với những thửa ruộng xanh mơn mởn được tô điểm bằng những con đường, dòng sông uốn lượn... Bằng một vài động tác nhẹ nhàng, anh Chiến điều khiển cho cánh dù chao liệng bên trái rồi lại sang bên phải, có lúc bay là là sát sườn đồi, ngọn cây keo... Bỏ qua cảm giác sợ hãi ban đầu, lúc này tôi đã có thể thoải mái lơ lửng cùng “cơ trưởng”. Xung quanh, những cánh diều đủ màu sắc của thành viên khác cũng đang vẫy vùng trên nền trời trong xanh. 15 phút bay lượn đã giúp tôi hiểu được sức hấp dẫn khó cưỡng của môn thể thao này. Điều này lý giải tại sao không chỉ cánh nam giới mà cả nhiều chị em nữ cũng mê môn thể thao dù lượn.
Không dành cho người nhát gan
Môn dù lượn đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng chỉ mới du nhập về Việt Nam khoảng gần 10 năm nay. Riêng ở Hải Dương, khoảng 2 năm trở lại đây mới có người tập dù lượn. Môn thể thao này rất kén người chơi. Bên cạnh những yêu cầu khắt khe về sức khoẻ, lòng đam mê và có khả năng kinh tế, người chơi phải có can đảm để đối mặt với mạo hiểm.
Để có thể tập và chơi môn này, các “phi công” phải đầu tư bộ dụng cụ tiêu chuẩn gồm vòm dù, đai ngồi, dù phụ, bộ đàm, máy định vị GPS, mũ bảo hiểm, giầy cao cổ, quần áo bảo hộ… với chi phí từ 80 đến 150 triệu đồng. Đó là còn chưa kể đến chi phí đào tạo bay, ăn ở, đi lại. Một chuyến bay thông thường cũng tốn kém từ 1 triệu đồng/người trở lên. Thời gian đào tạo để một người chơi có thể tự bay kéo dài từ 1-3 tháng. Họ phải trải qua nhiều bài học từ việc làm quen với các dụng cụ, cách lắp ráp dù và bộ đeo, cách đoán hướng gió đến kỹ thuật bay, kỹ thuật xử lý tình huống trên không…
Việc lựa chọn điểm bay cũng mất nhiều công sức. Anh Hải cho biết: “Bãi bay phải có độ cao từ 500m trở lên. Vì vậy, các thành viên luôn phải tìm những địa điểm phù hợp như Quảng Ninh, Hòa Bình... Ở Hải Dương chỉ có một vài địa điểm trên đỉnh núi Thanh Mai (Chí Linh) là đủ điều kiện để chơi dù lượn. Đường lên những đỉnh núi cao rất hiểm trở, khó khăn do toàn đường đất đá và dốc. Chuyện lật xe, trượt ngã hoặc phải leo bộ vài tiếng đồng hồ là bình thường”.
Trong quá trình bay, các “phi công” có thể gặp phải những tình huống nguy hiểm khó lường. Ngay trong chuyến đi của chúng tôi, khi cách bãi cất cánh khoảng 2 km, một chiếc xe ô tô địa hình trong đoàn đã bị lật giữa lưng chừng núi. Rất may những người trên xe không bị tai nạn nặng. Ngoài ra, họ có thể bị đập chân vào đá khi cất cánh, rơi xuống vực, rơi xuống rừng cây rậm rạp hay khe núi. Lúc ấy, anh em trong đoàn lại phải tổ chức đi giải cứu. Trong thực tế đã có trường hợp gặp chấn thương khi tham gia bay. Anh Chiến chia sẻ: “Bay trên độ cao lớn, sức gió mạnh, nếu “phi công” không tuân thủ các thao tác kỹ thuật và sự chỉ huy của người điều hành thì rất dễ gặp nạn. Cũng tại điểm bay này, đã có lần tôi suýt vướng dù vào lưới điện cao thế do không kịp điều khiển dù theo đúng hướng gió. Một lần khác thì hạ cánh sát với tường rào có cắm mảnh thủy tinh của người dân ở Hòa Bình”.
Hiện nay ở Hải Dương, mới có trên chục người tập và chơi môn này. Thời gian tới, số người có nhu cầu chơi sẽ còn tăng. Bình quân mỗi tháng, nhóm của anh Chiến tiếp nhận từ 3-4 học viên đăng ký tham gia.
Nhìn những ánh mắt hào hứng, nụ cười phấn khích khi được chinh phục độ cao, chúng tôi hiểu sức hấp dẫn khó cưỡng của môn thể thao mạo hiểm này.
ĐỨC TÂM