Nới hạn điền để tích tụ ruộng đất. Bài 1: Yêu cầu tất yếu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:22, 24/05/2017
Nhiều ý kiến cho rằng hạn điền đang cản trở phát triển nông nghiệp hàng hóa, khiến nông sản của người dân làm ra rơi vào tình trạng "được mùa mất giá".
Nới hạn điền tạo điều kiện cho người dân tích tụ ruộng đất, làm ăn lớn. Ảnh: Mơ Nguyễn
Song, thực tế lại chứng minh hạn điền không phải là "nút thắt" chính.
Khó tạo đột phá
Kể từ sau “Đổi mới” năm 1986, nhất là từ sau Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI năm 1988 (còn gọi là Khoán 10), nông nghiệp Việt Nam đã có bước đột phá mới. Hộ nông dân được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, có quyền bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trước pháp luật, đất đai được giao ổn định, lâu dài. Nông nghiệp Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Từ một nước thiếu lương thực đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai thế giới.
Bước sang giai đoạn hiện nay, mô hình kinh tế hộ với việc quản lý sử dụng đất nhỏ lẻ, manh mún không còn phù hợp với điều kiện phát triển nền nông nghiệp yêu cầu quy mô lớn, chất lượng hàng hóa cao, bảo đảm khả năng cạnh tranh. Do đó, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải tập trung ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn để đưa máy móc vào đồng ruộng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyên canh để nâng cao năng lực, chất lượng, sức cạnh tranh của nền nông nghiệp. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ “khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng” và vấn đề này tiếp tục khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 1993 quy định hạn điền ở đồng bằng sông Hồng tối đa 2 ha, đồng bằng sông Cửu Long 3 ha. Luật Đất đai 2003 sửa đổi cho phép người dân được nhận hạn mức chuyển quyền sử dụng đất lên gấp đôi so với mức hạn điền. Luật Đất đai 2013 sửa đổi tiếp tục nâng hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất lên không quá 10 lần mức hạn điền. Như vậy, ở đồng bằng sông Hồng được tích tụ tối đa 20 ha, ở đồng bằng sông Cửu Long 30 ha.
Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cần phải xem lại mức hạn điền cũng như hạn mức chuyển nhượng được quy định trong Luật Đất đai năm 2013 để tạo điều kiện về tính pháp lý cho người dân tích tụ ruộng đất làm ăn lớn. Nhiều nông dân đã tích tụ hàng trăm ha đất để làm nông nghiệp, điển hình như ông Võ Quan Huy ở Long An tích tụ 580 ha đất trồng chuối. Ở miền Bắc, những người nhận chuyển nhượng trên 20 ha chưa nhiều nhưng cũng bắt đầu xuất hiện.
Ông Võ cho rằng kể cả ruộng đất đã cơ bản được dồn lại, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa như hiện nay, canh tác thuận lợi hơn trước nhưng nếu vẫn giữ lối làm ăn nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm thì sản xuất nông nghiệp khó tạo được bước đột phá. Chỉ khi nào tích tụ được ruộng đất để hình thành các mô hình tổ chức sản xuất lớn theo chuỗi giá trị cộng với thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi của Nhà nước thì sản xuất nông nghiệp mới thực sự phát triển mạnh. Nói cách khác, doanh nghiệp phải đồng hành cùng nông dân trong nền sản xuất hàng hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Do vậy, mở rộng hạn điền tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, đưa công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giảm giá thành để đủ sức cạnh tranh là yêu cầu tất yếu.
Khuyến khích mô hình làm ăn lớn
Mô hình liên kết hộ sản xuất cà rốt ở Cẩm Giàng đem lại hiệu quả tốt khi đầu ra được bảo đảm. Ảnh: Thành Chung
Tuy "chiếc áo" hạn điền khiến nhiều nông dân làm ăn lớn đang vi phạm pháp luật nhưng chưa người dân nào bị Nhà nước "tuýt còi", thậm chí còn khuyến khích, coi đây là những mô hình đột phá để áp dụng rộng rãi, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện nay. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Long An) tích tụ 580 ha đất để trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, mang lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Với diện tích trên, ông Huy đã tích tụ gấp gần 20 lần quy định nhưng tại một diễn đàn kinh tế mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến ông Huy như một gương nông dân điển hình.
Tại Hải Dương, ông Tạ Quang Sửa ở đường Trường Chinh, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) thuê hơn 50 ha đất của người dân ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) với giá 200.000 đồng/sào trong vòng 3 năm. Mới đây, ông Sửa còn thuê thêm 20 ha đất của người dân xã Gia Khánh (Gia Lộc). Toàn bộ diện tích trên, ông Sửa đã đầu tư máy cày, máy gieo thẳng, máy gặt, cải tạo đất, bước vào sản xuất vụ lúa đầu tiên. Vụ tới, ông sẽ tổ chức sản xuất lúa đặc sản, rau màu, trồng hoa và thả sen, nuôi cá. Ông còn ấp ủ tự chế hệ thống máy phun thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích lớn để phục vụ sản xuất. Theo quy định, ông Sửa nhận chuyển nhượng gấp 3,5 lần cho phép nhưng theo bà Lương Thị Kiểm, Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hộ ông Sửa làm nông nghiệp quy mô lớn nhất tỉnh hiện nay. Sở khuyến khích những mô hình làm ăn lớn như ông Sửa để khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang.
Không tích tụ được nhiều ruộng như ông Sửa nhưng anh Cao Văn Lâm ở thôn Văn Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) cũng thuê gần 18 ha ruộng của người dân xã Thúc Kháng (Bình Giang) để sản xuất lúa giống. Anh Lâm cho biết việc tích tụ ruộng đất là yêu cầu tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn hiệu quả hơn việc mỗi người chỉ cấy vài sào, thu vài tạ thóc/vụ. Gia đình anh duy trì canh tác trên cánh đồng này đã được 5 năm, mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng.
Ngoài ra, Hải Dương còn hơn 20 cá nhân tích tụ và đầu tư sản xuất quy mô từ 5 - 20 ha. Chỉ vài năm nữa, quy mô tích tụ đất đai, đầu tư tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta sẽ lớn hơn rất nhiều, có thể đạt mức 100 ha. Chính sách nới hạn điền phù hợp với xu thế phát triển chung. Vấn đề tích tụ ruộng đất nhanh hay chậm phụ thuộc chủ yếu vào việc tiêu thụ sản phẩm, tổ chức quản lý sản xuất.
Những mô hình tích tụ ruộng đất làm ăn lớn bằng việc liên kết hộ sản xuất rau, củ, quả tập trung tại vùng sản xuất vải thiều VietGAP ở Thanh Hà; hành, tỏi ở Kinh Môn; su hào, cải bắp ở Gia Lộc; củ đậu ở Kim Thành; cà rốt ở Cẩm Giàng... đang đem lại hiệu quả tương đối cao khi đầu ra được bảo đảm. Ở những nơi này, người dân làm tốt việc liên kết hộ thành những vùng có diện tích lớn để sản xuất một loại nông sản.
Với diện tích 3.500 ha, người dân huyện Kinh Môn đã trồng hành vụ đông thành vùng lớn cũng mang về nguồn thu tới 1.500 tỷ đồng mỗi năm. "Chúng tôi tuân thủ đúng thời vụ. Khi thu hoạch cũng phải đợi hành thật già mới dỡ", bà Mạc Thị Năm ở thôn Huề Trì, xã An Phụ cho biết. Vì vậy, hành ở Kinh Môn chắc củ, mã đẹp và có giá cao hơn so với hành các nơi khác.
Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, bài toán của ngành nông nghiệp hiện nay là làm sao nông dân phải tạo ra sản phẩm chất lượng, có công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại, đặc biệt là ổn định thị trường đầu ra. Người dân Hải Dương đã tìm nhiều cách để liên kết lại sản xuất vải thiều, hành, tỏi, cà rốt, ổi, na... nhưng thị trường đầu ra như "đánh bạc". Gặp may, thị trường Trung Quốc mua thì bán được giá, còn dừng khiến nông sản mất giá thê thảm. Do vậy, chính quyền địa phương cần làm tốt vai trò dẫn dắt nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi hàng hóa.
PV