Mỹ khởi động chương trình máy bay không gian siêu thanh

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 09:25, 28/05/2017

Chương trình phi thuyền không gian XS-1 hứa hẹn giúp Mỹ giảm chi phí và rủi ro khi phóng vệ tinh trong thời gian tới.

my-khoi-dong-chuong-trinh-may-bay-khong-gian-sieu-thanh

Phi thuyền XS-1 bay lên quỹ đạo mang theo vệ tinh trên lưng. Đồ họa: DARPA

Cơ quan nghiên cứu các dự án phòng thủ tiên tiến (DARPA) trực thuộc Lầu Năm Góc đã chọn Boeing làm nhà thiết kế và chế tạo phi thuyền không gian siêu thanh mới mang tên "Phantom Express". Nó có khả năng đạt độ cao lớn để phóng vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất, sau đó trở lại và hạ cánh giống máy bay thông thường, theo Popular Mechanics.

Chương trình Phi thuyền không gian thử nghiệm (XS-1) sẽ phóng ra một tên lửa đẩy nhỏ sau khi đạt độ cao trên 100 km. Tên lửa sẽ đưa vệ tinh vào quỹ đạo, trong khi phi thuyền sẽ trở lại Trái Đất và hạ cánh trên một đường băng. DARPA hi vọng XS-1 sẽ giúp Bộ Quốc phòng Mỹ sẵn sàng phóng vệ tinh lên quỹ đạo trong vòng vài ngày, thay vì vài tháng như hiện nay. Phi thuyền XS-1 được cho là có thể hạ cánh và phóng trở lại trong vòng vài giờ.

"XS-1 là sự kết hợp giữa máy bay truyền thống và thiết bị phóng thông thường, với mục tiêu giảm 10 lần chi phí phóng vệ tinh, cũng như rút ngắn thời gian chuẩn bị. Chúng tôi rất hài lòng với tiến độ của giai đoạn đầu", Jess Sponable, giám đốc chương trình XS-1 tại DARPA cho biết.

Khác với máy bay X-37B của không quân Mỹ phải dùng tên lửa đẩy Atlas V, mẫu XS-1 sẽ tự phóng bằng động cơ riêng sử dụng nhiên liệu oxy và hydro lỏng. Phantom Express có kích cỡ ngang máy bay thương mại, có thể bay với tốc độ siêu thanh trên 6.125 km/h trước khi phóng vệ tinh nặng 1.360 kg lên quỹ đạo thấp quanh Trái Đất.

Giai đoạn hai của chương trình gồm thiết kế, chế tạo và thử nghiệm với 10 đợt phóng thử hệ thống động cơ đẩy. Giai đoạn này sẽ kéo dài suốt năm 2019 trước khi Boeing và Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành bay thử trong giai đoạn ba vào năm 2020. 

Nếu thành công, DARPA dự tính chương trình XS-1 sẽ có giá dưới 5 triệu USD/lần phóng. Ngoài mục đích quân sự, DARPA dự kiến chia sẻ thiết kế với các công ty hàng không thương mại để giảm giá thành.

DUY SƠN (Vnexpress)