Chưa triển khai quy hoạch Sơn Trà trong 3 tháng
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 10:44, 29/05/2017
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận như vậy sau cuộc làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Đà Nẵng và các bộ, ngành liên quan xung quanh kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Không lo ngại các dự án đã cấp ồ ạt triển khai
Tại cuộc họp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết bộ cần 3 tháng để tổ chức hội thảo, có câu trả lời khoa học về các kiến nghị của Hiệp hội.
UBND TP Đà Nẵng cho hay cũng cần khoảng thời gian tương tự để rà soát tất cả các dự án.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quy hoạch phát triển du lịch Sơn Trà được lập từ tháng 5.2013 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Đà Nẵng.
Đến tháng 11.2016, bản quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và công bố vào tháng 2.2017. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định trên thực tế bản quy hoạch chưa được triển khai.
Ngay sau khi bản quy hoạch được công bố, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có kiến nghị gửi Thủ tướng, trong đó kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng thêm mới các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà.
Thực tế số phòng lưu trú đã đưa vào hoạt động tại Sơn Trà đến nay là khoảng 300 phòng. Như vậy, nếu tính các dự án đã được phê duyệt trước năm 2013 thì quy mô số phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng, trong khi quy hoạch phát triển du lịch Sơn Trà chỉ cho đến 1.600 phòng, còn Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị chỉ ở mức 300 phòng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc đối thoại UBND TP Đà Nẵng và các bộ, nghành liên quan đến quy hoạch bán đảo Sơn Trà chiều ngày 28.5 - Ảnh: Việt Dũng |
Để giải đáp các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hội thảo, các buổi làm việc với các bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học về du lịch, về môi trường, về bảo tồn để có giải pháp tốt nhất.
Đặc biệt, đối với UBND TP Đà Nẵng, Phó Thủ tướng đề nghị cần chủ động xem xét để có văn bản chính thức trả lời là có chấp nhận kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là giữ nguyên trạng, không xây dựng cơ sở lưu trú không.
Phó Thủ tướng nói: “Nói cách khác là có chấp nhận giảm tiếp số phòng lưu trú trên bán đảo Sơn Trà không và giảm đến mức nào”.
“Đà Nẵng phải chủ động vì tất cả các dự án được cấp theo đúng thẩm quyền của Đà Nẵng. Tôi rất chia sẻ với Đà Nẵng là rất cần thời gian. Chắc chắn Đà Nẵng sẽ phải làm việc với các nhà đầu tư” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận: “Trên thực tế quy hoạch chưa được triển khai. Trong 3 tháng tới, tôi đề nghị chưa triển khai quy hoạch để tiếp thu ý kiến được khách quan”.
Theo Phó Thủ tướng, không lo ngại rằng trong 3 tháng tới, khi bản quy hoạch chưa được triển khai, các dự án đã được cấp phép trước đây sẽ làm ồ ạt bởi lãnh đạo Đà Nẵng đã thống nhất từ 16.5, tất cả mọi quyết định liên quan tới các dự án này phải được thông qua Thường trực Thành ủy và phải được nhân dân, công luận giám sát.
Bản đồ định hướng phân khu chức năng trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 - Ảnh: Việt Dũng |
Đà Nẵng đề nghị thực hiện đúng quy hoạch
Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết từ năm 2003-2012, Đà Nẵng đã phê duyệt 25 dự án, trong đó có 18 dự án đầu tư phát triển du lịch có lưu trú cho nhà đầu tư trong nước và 7 dự án và các cơ sở khác về tín ngưỡng, hạ tầng kỹ thuật và quốc phòng, an ninh.
18 dự án đầu tư phát triển du lịch có tổng diện tích theo quy hoạch là 1.222 ha.
Ông Tuấn khẳng định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch các dự án bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định về an ninh, quốc phòng với cao trình xây dựng các dự án dưới cốt 200m và không có nhà đầu tư nước ngoài.
Mật độ xây dựng các dự án không quá 10%, tương ứng với phần diện tích xây dựng là 122,2ha (chiếm tỉ lệ 2,75% diện tích bán đảo Sơn Trà).
Về kiến nghị giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Tuấn cho hay quan điểm của UBND TP Đà Nẵng là để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú/năm đến năm 2030 theo công suất buồng thực tế thì Đà Nẵng cần phải có gần 58.000 phòng.
“Như vậy trong những năm tới, Đà Nẵng cần phát triển thêm nhiều cơ sở lưu trú hơn nữa”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn khẳng định việc quy hoạch các cơ sở lưu trú theo quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-TW của Bộ Chính trị và nhu cầu thực tế phát triển du lịch Đà Nẵng.
Trong khi đó, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng cho rằng qua xem xét, đánh giá quy mô phát triển, mức độ tác động tới môi trường, cảnh quan tự nhiên, giải pháp hợp lý là điều chỉnh cấu trúc không gian du lịch, kết hợp với việc kiểm soát quy mô hệ thống cơ sở dịch vụ lưu trú như đã nêu trong quy hoạch được phê duyệt đểbảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu bộ và TP cần xem xét các kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng trên tinh thần khoa học, cầu thị và công khai minh bạch.
Theo Tuổi trẻ